Loading…

# Điểm sách – Tội Ác và Hình Phạt (Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky)

Mặc dù là một tác phẩm dài, “Tội ác và hình phạt” không phải là một cuốn sách khó đọc. Không khó đọc nhưng nó lại không phải một tác phẩm dễ phân tích và cắt nghĩa. Bài review này là chắt lọc lại đôi dòng mà mình rút ra được sau khi đọc xong.

Đầu tiên, hãy nói về nội dung trước. Cả cuốn sách xoay quanh nhân vật Rodion Romanovich -một sinh viên Luật nghèo nhưng thông minh, người phải nghỉ học vì gia cảnh túng bấn của bản thân. Nằm một xó trong căn nhà trọ tồi tàn, Romanovich bị ám ảnh bởi một suy nghĩ : giết người, cướp của để có thể làm lại cuộc đời với một xuất phát điểm khác. Cho đến một ngày, Romanovich đã biến suy nghĩ thành hành động, anh đã thực sự giết người. Mặc dù hành động một cách liều lĩnh, nhưng với một sự may mắn thần kỳ, Romanovich đã không bị ai phát hiện và không để lại manh mối gì khiến người khác có thể kết tội anh được. Kẻ bị giết cũng ko còn ai thân thích và cũng chẳng được ai yêu mến, xót thương. Vậy nhưng, cũng như ý nghĩ về việc giết người ám ảnh lấy anh, hành động tàn sát ấy cũng không buông tha cho chàng trai trẻ. Anh thấy quay cuồng rồi run sợ, rồi bất cần, rồi buông xuôi và cứ như thế lặp đi lặp lại, nỗi ám ảnh khiến kẻ giết người dường như bị đẩy xuống mức chỉ còn hai lựa chọn: hoặc tự sát, hoặc đầu thú. Điều khiến Romanovich dường như không thể hiểu, đó là anh thậm chí không thấy hối hận vì đã xuống tay, nhưng tại sao anh không thể nào ngừng cảm thấy run rẩy và kinh khiếp ?! Ở đây, không phải là nhà giam, không phải là quan tòa, không phải lời phán xét của người khác, mà chính là dày vò trong tâm trí của Romanovich là sự trừng phạt kinh khủng nhất cho hành động của mình.

°°°°°°°°°°°°°°°°

Một điều đáng nói trong vụ giết người này, đó là nó không xuất phát từ sự bột phát, cũng không phải hành động tự vệ, nó là một việc giết người có chủ đích, được thúc đẩy bởi một ý nghĩ ám ảnh lấy Romanovich – điều được anh giãi bày trong một bài luận của mình, trong đó anh thấy nhiều vĩ nhân trong lịch sự, rất nhiều trong số đó chỉ là kẻ giết người có lý tưởng, sau khi đã dành được chiến thắng và vinh quang, họ được tung hô và được thiên hạ nhìn nhận khác đi, chẳng hạn như nhân vật mà anh rất ngưỡng mộ – Napoleon. Và Romanovich nghĩ rằng, chỉ cần anh đủ dũng cảm để vượt ra được ranh giới đạo đức để giết người, anh sẽ cơ hội để trở thành một vĩ nhân, một cơ hội để bắt đầu lại cuộc đời ở một xuất phát điểm khác. Nhưng logic lý trí đã không thể thắng được xúc cảm sâu xa trong tâm hồn hay có lẽ chính là phần nhân tính, lương tâm mà chính Romanovich cũng không ngờ tới. Điều đó khiến mình nghĩ tới cuộc chiến của thiện và ác trong mỗi người, thứ luôn luôn đấu tranh, giằng xé lẫn nhau và người ta không phải dễ dàng mà chọn một bên cho được. Romanovich là một chàng trai trẻ có học thức, và trong nhiều trường hợp còn giàu cả lòng nhân ái,nhưng rồi anh lại xuống tay giết người một cách lạnh lùng, giết người lạnh lùng nhưng anh cũng không thể gạt bỏ con người nhân ái trước đây đi và sống bình thản cho được và rồi lại bị ám ảnh bởi chính hành động của mình.

Bên cạnh nhân vật trung tâm là Romanovich , tác phẩm cũng xây dựng được nhiều nhân vật ấn tượng khác: là mẹ và cô em gái Dunia của Romanovich , hai người thân và là hai người vô cùng yêu thương anh, Luzhin – tay chồng hụt giàu có nhưng xấu tính của Dunia, Sonya – một cô gái nghèo nhân hậu phải bán thân để nuôi gia đình, gã địa chủ Svidrigailov – bỉ ổi, nhiều mưu mẹo , luôn nhòm ngó cô em gái Dunia, người bạn thân luôn giúp đỡ Romanovich với tấm lòng ngay thật, và cả tay cảnh sát vừa tinh quái vừa ghê ghớm Petrovich,…Tác giả đã xây dựng lên một nước Nga thu nhỏ, với nhiều câu chuyện và cảnh đời đan xen bên cạnh câu chuyện chính, giúp người đọc hình dung ra một xã hội bị tha hóa, nơi những người nghèo khổ bị giày xéo và bất hạnh, nơi những cảnh cùng cực diễn ra, ước mơ tan vỡ và nhân phẩm bị chà đạp. Mặc dù tăm tối như vậy, tác phẩm không rơi vào cảnh tuyệt vọng, đâu đấy, sự ấm áp và sự tử tế vẫn sống sót và vươn lên, giữa bao nhiêu đau khổ của cuộc đời, và rồi chính nó trở thành sự cữu rỗi cho một tâm hồn tối tăm, lầm lỡ.

Điểm mình thấy xuất sắc nhất của tác phẩm là khả năng phân tích diễn biến tâm trạng tính tế tuyệt vời của tác giả, được hiện lên chủ yếu qua những đoạn hội thoại rất dài và cả những đoạn đấu tranh nội tâm của nhân vật. Mỗi nhân vật đều có một màu sắc khác nhau và dù tốt hay xấu đều để lại ấn tượng sâu sắc với người đọc. Và bên cạnh đó, những suy nghĩ và đối thoại trong tác phẩm cũng gợi lên rất nhiều chiều sâu triết lý mà mình cũng chưa nắm bắt hết được, nhưng nó khơi gợi nhiều điều và để lại nhiều dư vị.

°°°°°°°°°°°°°°°°

Dạo gần đây đọc nhiều sách về sinh học nên câu chuyện trong cuốn sách này cũng khiến mình suy nghĩ dưới góc độ sinh học. Đó là dù con người có ích kỷ đến đâu, nhưng là một sinh vật xã hội, có lẽ chúng ta cũng phát triển một thứ bản năng khiến chúng ta thấy ghê rợn việc giết người, rằng dù ta có vô tình hay hữu ý khi hành động hay chấp nhận những hành động ác ý nhưng giết người là lằn ranh không thể vượt qua. Có lẽ vì chúng ta biết quý giá mạng sống của mình, nên việc tước đi sinh mạng của người khác là không thể chấp nhận được. Bài luận của Romanovich không phải là không có lý, nhưng nếu chúng ta chỉ hành động một cách thuần logic, thì chúng ta cũng không thực sự là con người nữa rồi.

Quay lại chủ đề chính thì mình thấy trọng tâm của cuốn này chính là về thiện và ác. Nếu chỉ là người đọc báo (mà mình rất hay đọc báo) hoặc chỉ nghe những câu chuyện bên lề, thì với mình một kẻ giết người luôn là một tên độc ác, mất nhân tính, một hành động không thể dung thứ. Nhưng khi đọc một tác phẩm văn học, một nhân vật không đơn giản là trắng đen rõ ràng như thế, nó không rõ ràng về việc ta có thể tự xếp mình là tốt hay xấu, nó không rõ ràng trong việc đánh giá thứ gì là đúng sai, nó không rõ ràng trong việc ta nhìn nhận chính mình, cách ta sẽ phản ứng khi sự việc xảy ra, điều gì thúc đẩy ta làm hay không làm điều gì đó. Là một con người, hẳn không ít lần ta mong muốn mình thông minh hơn, giỏi giang hơn và tự mãn nếu ta thấy mình như vậy, nhưng cũng vì chính trí tuệ và tình cảm của mình, ta bị ràng buộc bởi những điều mà mình không hiểu hết và không thể điều khiển. Điều lớn nhất còn đọng lại trong mình sau khi đọc cuốn sách này, đó là: hãy biết khiêm nhường, và trong những điều hữu hạn chúng ta biết về cuộc đời, có những điều hữu hạn chúng ta biết về chính ta.

Share this

Leave a Reply