Loading…

# Điểm sách – Hiểu nghèo, thoát nghèo (Abhijit Banerjee, Esther Duflo)

Nghe cái tên sách mình cứ tưởng sách self-help hay gì, nhưng không , đây là một cuốn sách mang tính xã hội rất cao, một cái nhìn chân thật và cụ thể hơn về thế giới của người nghèo và cách mà họ đang suy nghĩ. Tên tiếng Anh của cuốn sách là Poor Economics (nền kinh tế của người nghèo) còn tên tiếng Việt được dịch khá sát nghĩa dựa trên hai nội dung chính của cuốn sách, phần 1 là hiểu nghèo và phần hai là thoát nghèo. Cụ thể hơn, trong phần 1, các tác giả tập trung vào phân tích thế giới của người nghèo, những người phải sống với mức thu nhập ít hơn 99 xu / ngày và ước tính vào năm 2005 là khoảng 13% dân số thế giới đang phải sống trong cảnh đó. Tác giả tập trung vào những khía cạnh lớn trong đời sống của người nghèo (mà có lẽ cũng là của bất kỳ ai) đó là : thực phẩm, y tế, giáo dục, chi tiêu và sinh sản, tìm hiểu xem những động lực nào, lý do nào đằng sau những quyết định của người nghèo về những yếu tố trên và tại sao những chương trình giúp đỡ người nghèo lại thất bại dù rằng mục đích rất tốt. Ở phần thứ 2 , hai tác giả đi sâu vào nghiên cứu về cách mà người nghèo kiếm sống, tiết kiệm, hay thậm chí là đầu tư, tại sao họ gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn, hay liệu chính sách hay chính trị có phải là yếu tố quyết định đến việc người nghèo có thể thoát nghèo hay không hay còn điều gì khác nữa ta có thể làm để cải thiện đời sống của họ kể cả khi thể chế không được tốt ?

°°°°°°°°°°°°°°°°

Giờ hay đi sâu vào những điểm khiến mình yêu thích cuốn sách này. Trước tiên, là cách mà tác giả nhìn nhận và tìm hiểu về người nghèo. Bạn nghĩ rằng người nghèo, về mặt cá nhân, họ khác gì một người trung lưu hay thượng lưu ? Họ tốt hay xấu, lười biếng hay chăm chỉ , cao quý hay trộm cắp? Sự thật là họ chẳng khác gì ta (những người đỡ nghèo hơn) cả. Họ cũng có hy vọng và hoài nghi, họ cũng có điểm mạnh , điểm yếu, họ cũng trăn trở về cuộc sống và nỗ lực sống như bất cứ ai. Họ cũng có thể lười biếng, thích trì hoãn y như bạn. Vấn đề ở đây là, bạn sẽ không bị trừng phạt bởi sự trì hoãn hay lười biếng của bản thân như những người nghèo. Bởi bạn có một tấm đệm vô hình từ chất lượng giáo dục mà bạn nhận được, thực phẩm mà bạn ăn uống, y tế khi bạn ốm đau, và những an sinh xã hội mà bạn được bảo vệ nếu chẳng may sa cơ. Nhưng thế giới của người nghèo thì khác, không có tấm đệm nào cả, việc phải sống với 99 xu mỗi ngày (khoảng dưới 24.500 vnd/ngày) đồng nghĩa với việc tiếp cận thông tin bị hạn chế, và không được biết những điều mà phần còn lại của thế giời nghiễm nhiên được biết, chẳng hạn như việc vắc xin có thể phòng bệnh cho trẻ em. Những thứ ta cho là lặt vặt, sơ suất nhỏ có thể bỏ qua thì lại đều có thể mang lại tác động lớn với người nghèo. Việc liên tục phải sống trong hoàn cảnh bấp bênh, nhiều rủi ro ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định, để lại những cơn lo lắng bất an triền miên, làm giảm năng suất lao động và nhiều khi khiến họ đưa ra những quyết định tồi tệ. Vậy nên, việc thoát nghèo là điều không hề dễ dàng, và không phải ta cứ mang tiền đến, chỉ dạy họ làm cái lọ cái chai mà mọi việc được giải quyết. Nhưng thoát nghèo cũng không phải là câu chuyện bất khả thi. Ta hoàn toàn có thể giúp đỡ họ, và khiến những đồng tiền trợ giúp trở nên có ích hơn, đầu tiên là bằng cách hiểu họ – không phải để thương hại hay khâm phục, mà nhìn nhận họ như những người cần được tư vấn về những điều họ suy nghĩ, mong muốn hay thực hiện.

°°°°°°°°°°°°°°°°

Bối cảnh được nhắc đến nhiều nhất trong cuốn sách là thế giới người nghèo ở Ấn Độ, và bên cạnh đó, tác giả cũng nhắc đến nhiều những câu chuyện về người nghèo trên khắp thế giới, bạn sẽ thấy là các câu chuyện của họ phản ánh những xu hướng suy nghĩ khá giống nhau và giống cả những điều đang xảy ra ở Việt Nam nữa. Những trang viết và phân tích của tác giả không chỉ khiến mình hiểu về người nghèo, mà còn khiến mình hiểu hơn cả về cách suy nghĩ của ông bà, bố mẹ mình nữa (những người cũng từng sống trong hoàn cảnh như vậy). Chẳng hạn như những khát khao về một công việc ổn định cho con cái, bởi cuộc sống của người nghèo quá bấp bênh nên một công việc được trả lương đều đặn trở thành một điều vô cùng đáng khao khát. Những người nghèo cũng thường xuyên là những người làm ăn buôn bán nhỏ lẻ, và điều đó thúc đẩy nhiều những chương trình trợ giúp người nghèo vay vốn, làm ăn kinh doanh. Nhưng những người nghèo không phải ai cũng kinh doanh vì có máu kinh doanh, mà có lẽ là để tự tạo công việc cho chính mình khi mà không có cơ hội tiếp cận đến những việc làm thông thường khác vậy nên đối với họ kinh doanh không phải một nghề nghiệp đáng ao ước,  và công việc làm ăn ổn định mới chính là một điểm cơ bản để phân biệt người thuộc tầng lớp trung lưu với người nghèo. Ngạc nhiên thay, “một công việc ổn định tự bản thân nó có thể hoàn toàn thay đổi nhân sinh quan của chúng ta”. Nó cho chúng ta cảm giác yên tâm về hiện tại và kiểm soát được tương lai. Rồi từ đấy, nó thúc đẩy những ông bố, bà mẹ tập trung hơn vào xây dựng sự nghiệp và chăm lo con gái, và cho phép những đứa con được suy nghĩ những thứ xa hơn, như là ước mơ và hoài bão.

°°°°°°°°°°°°°°°°

Ngoài những phân tích về hoàn cảnh, động cơ, suy nghĩ của người nghèo. Cuốn sách cũng nói rất nhiều đến những chương trình để chăm lo cho đời sống và cải thiện kinh tế cho người nghèo, phân tích những lý do khiến cho những chương trình ấy không hiệu quả. Hai tác giả của cuốn sách, là hai giáo sư về kinh tế học tại MIT (Abhijit V.B) và giáo sư dạy về môn Giảm nhẹ đói nghèo và kinh tế học phát triển tại MIT nên bản thân họ ko chỉ có hiểu biết về kinh tế mà cũng thực hiện rất nhiều các chương trình xóa đói giảm nghèo. Phương pháp mà cả hai thực hiện là thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên vào kinh tế học phát triển. Họ cũng đưa ra các chương trình, nhưng không dựa trên những áp đặt cứng nhắc về người nghèo mà trên những giả thuyết, có thể đúng, có thể sai, rồi sau đó thực hiện những chương trình này và đo đạc kết quả, với những biến số khác nhau ở những nơi khác nhau để tìm ra điều gì là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến việc ra quyết định của người nghèo và ta có thể làm gì để thúc đẩy, động viên họ ra quyết định đúng đắn hơn, có lợi hơn về lâu dài cho cuộc sống của họ. Điều thú vị là , đôi khi câu trả lời nằm ngoài những suy luận logic thông thường. Một ví dụ có thể kể đến chẳng hạn như việc tiêm phòng vắc xin. Bất chấp những chương trình tiêm phòng vắc xin miễn phí được tổ chức ở địa phương, tỷ lệ tiêm phòng vẫn rất thấp. Phải chăng là những người nghèo không quan tâm gì đến sức khỏe của con cái họ ? Không phải là như vậy, những người nghèo chi tiêu nhiều cho y tế, họ thường uống nhiều thuốc và uống liều cao hơn khi gặp những bệnh lặt vặt, thông thường, họ không đủ khả năng tài chính cho những bệnh tật nặng và không có niềm tin vào y tế công cấp cơ sở nên tìm đến với những tay lăng băm và hình thành những niềm tin thiếu cơ sở và rất mê tín. “Người ta chọn những điều có ý nghĩa với mình, nhưng nếu hầu hết đều không có kiến thức sinh học phổ thông căn bản, tức không có lý do gì để tin vào năng lực và thái độ làm việc của bác sĩ, thì quyết định của họ chẳng khác gì dò đường trong đêm”. Hơn nữa, vắc xin là thứ không mang lại hiệu quả tức thời mà nó để phòng chữa bệnh tương lai và để tạo miễn dịch công đồng nên dễ hiểu khi người dân trù trừ mang con đi tiêm, nhất là nó lại mang đến sự bất tiện nhất thời, như việc mất thời gian hay việc bọn trẻ con hay bị sốt nhẹ sau khi tiêm. Giải pháp đã mang lại thành công vang dội cho chiến dịch tiêm chủng của tổ chức Seva Mandir khi họ tổ chức tiêm chủng ở Udaipur đó là: họ tặng một ít đậu khô cho những ai đến tiêm chủng, kết quả là tỷ lệ tiêm chủng tăng lên đến 7 lần! Rõ ràng, kể cả có những điều mê tin và niềm tin vô căn cứ, điều đó cũng không đến họ mức từ chối đậu khô, và một cú hích nhỏ có thể tạo ra một kết quả ấn tượng. Điều đó cũng chứng tỏ họ không có cơ sở vững chắc nào để đánh giá chi phí và lợi ích của vắc xin nên họ đã hành động khi được thúc đẩy bởi một thứ thực tế hơn là mấy lạng đậu. Tuy nhiên câu chuyện thành công của chiến dịch vắc xin không có nghĩa ta có thể áp dụng nó với tất cả các trường hợp và trong mọi thứ, mỗi một hoàn cảnh khác nhau , suy nghĩ của con người bị lèo lái bởi những động lực khác nhau, và khi người ta biết rõ họ muốn gì, thì bạn không dễ để hối lộ họ chút nào. Vì vậy, câu chuyện xóa đói giảm nghèo, không chỉ là huy động tiềm lực tài chính, mà là đề ra những biện pháp hữu ích hơn, phù hợp hơn và thiết thực hơn với người nghèo, dựa trên những hiểu biết về chính những điều mà họ nghĩ và họ cần.

Share this

Leave a Reply