Loading…

#Điểm sách – Suối nguồn (Ayn Rand)

Giá mà tuần nào cũng đăng được một bài review sách! Nhưng thực tế thì không bao giờ được như kỳ vọng. Đầu tiên là vì mình không phải người đọc sách quá nhiều, vì còn những ưu tiên khác trong cuộc sống và một lý do khác quan trọng không kém là không phải cuốn sách nào mình đọc mình cũng thấy nó đáng để viết một bài review đăng lên blog. Không phải vì mình ngại chê một cuốn sách (thật ra cũng có chút chút) mà chủ yếu vì một cuốn sách mà mình thấy không đủ hay thì mình thấy không có gì nhiều để mà bình luận cả, đăng lên chỉ để cho có thì đăng lên làm gì. Lý do cuối cùng là, không phải quyển sách nào mình cũng có thể đọc hết trong một tuần được, đôi khi là vì mình dây dưa ngày này qua tháng khác mà không đọc xong hoặc cũng có thể vì nó dài quá nên đọc mãi mới hết. Quyển sách hôm nay mà mình định giới thiệu rơi vào lý do cuối cùng.


Đây có thể nói là một trong những cuốn sách dài nhất mình đã từng đọc (không tính mấy series nhiều tập). Với độ dày lên đến hơn 1200 trang, đội dịch thuật cũng lên tới 5 người + 1 người hiệu đính thì có thể hình dung cuốn này nó khủng thế nào. Chỉ cần nhìn sự đồ sộ của cuốn sách thôi là nó đủ để loại tất cả những người nào muốn đọc sách sương sương cho vui rồi. Mặc dù vậy, quãng thời gian mình đọc cuốn sách này thì thật sự là tuyệt vời, mình gần như là đắm chìm trong nó và phải tạm xếp xó đống phim truyền hình + một vài quyển sách khác để đọc cuốn này.

°°°°°°°°°°°°°°°°

Như tác giả của nó đã nói ngay từ những lời giới thiệu ở đầu cuốn sách. Cuốn sách này thuộc thể loại “văn học lãng mạn” nhưng nó không phải kiểu tình yêu lãng mạn hường phấn. Sự lãng mạn mà tác giả đề cập đến trong tác phẩm này là ‘tình yêu con người’ , một con người được lý tưởng hóa với tất cả những phẩm chất tốt đẹp mà con người nên có. Phẩm chất tốt đẹp ở đây là : lý tưởng sống mãnh liệt, những giá trị cơ bản không màu mè, giả tạo, nhưng tự nó tỏa ra vẻ đẹp và sự trường tồn, là con người sống và đấu tranh đến cùng cho những giá trị mà mình thấy đúng và nhất định không đầu hàng trước những khó khăn và cả sự giả dối bao quanh. Và vì vậy mà nó vô cùng lãng mạn, nó thiếu cái hiện thực của những người thường mắt thịt, của sự đấu tranh nội tâm cá nhân. Và cũng vì vậy nó trở thành hình mẫu lý tưởng để chúng ta phấn đấu khi mà ta đã thực sự hiểu được thế nào là con người đích thực.

°°°°°°°°°°°°°°°°

Đầu tiên, hãy điểm qua phần nội dung của cuốn sách. Cuốn sách được chia ra làm bốn phần với mỗi phần là tên của một nhân vật chính và cũng đặt trọng tâm miêu tả kỹ lưỡng cá tính và suy nghĩ của mỗi nhân vật đó. Tuy nhiên, cả cuốn sách vẫn có một dòng chảy chung với những cá nhân liên quan và tương tác chặt chẽ với nhau theo một trình tự và dòng chảy thời gian thống nhất, chỉ là ở mỗi phần thì một nhân vật chính sẽ được tác giả miêu tả kỹ hơn. Điểm đặc biệt, là có lẽ cùng là hay nhất của cuốn sách này là những đoạn hội thoại cực kỳ hay, mang nhiều tính triết lý nhưng lại không hề sáo rỗng và nhiều lần làm cho mình thấy sửng sốt. Chính qua những đoạn hội thoại này mà tính cách, quan điểm sống của nhân vật hiện lên một cách rõ nét nhất và cũng thể hiện rõ những giá trị của tác phẩm mà tác giả muốn đề cập đến nhất.

Cuốn sách mở đầu với việc chàng thanh niên Howard Roark bị đuổi khỏi trường Kiến trúc Stanton bởi những bản thiết kế của anh: chặt chẽ, hiện đại những phá vỡ hết tất cả truyền thống của kiến trúc đương thời, và cơ bản, của tất cả những gì mà cậu được dạy. Cùng lúc đó là lễ bế giảng của một niên học khác của học viện mà người đứng đầu trong các học viên là Peter Keating. Peter Keating trái ngược gần như hoàn toàn với Howard Roark. Peter là một chàng trai với ngoại hình tuấn tú, được tất cả bạn bè và thầy cô yêu mến vì tính cách hòa đồng, dễ chịu, tốt nghiệp hạng ưu cùng với một học bổng mỹ thuật 4 năm và một lời đề nghị làm việc cho một công ty kiến trúc hàng đầu. Howard Roark thì trái lại, ngoài việc bị đuổi học vì phong cách thiết kế một mình một kiểu và không hề chịu nhượng bộ, anh đồng thời cũng là một người không chịu quảng giao hay kết bạn với ai, anh đi làm thêm đủ thứ để kiếm tiền học đại học, anh bị tất cả các thầy giáo môn Kiến trúc ghét vì không chịu làm theo các nguyên tắc được dạy nhưng lại được các thầy giáo môn Toán và kỹ thuật kết cấu kiên quyết bảo vệ (nhưng bất thành). Mặc dù luôn lịch sự và nhẫn nại, Howard không được mọi người yêu mến như Peter vì cậu cho họ cảm giác cậu không hề để tâm đến họ một chút nào, vì cậu và họ dường như không có cùng một nhân sinh quan. Và với hai khởi đầu và hai tính cách như vậy, hai chàng trai bước chân vào thế giới của ngành Kiến trúc nơi họ sẽ làm việc , gặp gỡ những người khác trong và cả ngoài ngành, nhận những bài học và phần thưởng của cuộc sống và trưởng thành. (Nói thêm một tí là hai người này vốn biết nhau và có tương tác trong suốt cả cuốn sách nhé, vì Howard ở trọ ở nhà của Peter lúc học đại học, chứ không phải hai cuộc đời khác nhau như cuốn “Hai số phận” đâu 😀 )

°°°°°°°°°°°°°°°°

Giờ thì nói thêm về từng nhân vật, cũng là đi sâu vào từng phần của cuốn sách (phần này có tính chất tiết lộ một ít nội dung nhưng không tiết lộ chi tiết hay cái kết)

Đầu tiên là Peter Keating. Peter có một khởi đầu hoàn hảo như đã nói ở trên. Khi anh vào công ty Kiến trúc anh cũng thăng tiến như diều gặp gió: một phần vì tính cách quảng giao, dễ chịu khiến anh được lòng mọi người, đặc biệt là người đứng đầu công ty Francon nhưng một phần khác là vì anh đã dùng mọi thủ đoạn để đẩy những người có thể ngáng chân mình đi và nhanh chóng thế chân vào những vị trí ấy. Khi gặp khó khăn về thiết kế hoặc thấy không tự tin về bản vẽ của chính mình, anh lại nhờ Howard – người không thể chịu được khi phải nhìn thấy một công trình rối rắm, thừa thãi- giúp đỡ. Howard không bao giờ nói ra điều đó và anh cũng không muốn nhận những công trình đó về phần mình vì sau đó thiết kế của anh đã được Peter thêm mắm dặm muối vào để làm đẹp lòng công chúng đương thời – những thứ mà Howard không thể chịu được và cũng không chịu nhượng bộ. Sẽ không có gì để nói nếu Peter đơn giản là sống và tin theo đúng những gì mình làm, hài lòng với tất cả những thứ phù phiếm mà anh đấu tranh, giành giật để có được. Nhưng sâu thẳm trong mình Peter cảm thấy khác: sự căm ghét chính công việc của mình, cảm giác trống rống, cảm giác biết rằng điều mình làm có lẽ chẳng khiến mình cảm thấy tốt đẹp hơn tí nào những vẫn không thể dừng lại được và cả sự tự tin chỉ có thể tìm thấy bằng cách bấu víu vào những lời khen ngợi ở bên ngoài. Tuy vậy, anh ta không thể bứt ra được cái con đường ‘thành công’ mà anh ta đang đi và cuối cùng anh ta đâm ra căm ghét Howard vì anh ta biết Howard là tất cả những gì trái ngược với mình – giả dối và vô giá trị. Lần theo con đường và hành động của Peter, dù anh ta lên gần đến đỉnh cao danh vọng, những gì mà người đọc cảm nhận dường như chỉ có một từ: sự thảm hại.

Thật ra không khó để hình dung (và cả viết về) những cám dỗ mà Peter gặp phải: mong muốn thành công nhanh và giàu có, áp lực phải làm hài lòng người khác, áp lực phải sống quanh những con người tài giỏi quanh mình và mong muốn lấp đầy sự tự tin bằng sự công nhận của người khác. Tuy nhiên tác giả đã không viết theo hướng đó, nếu thế thì nó lại mang tính hiện thực mất rồi 😀 Ở đây, Peter là hiện thân của người sống theo chuẩn mực của người khác, anh ta làm cả những thứ tồi tệ để tiến thân nhưng anh ta không đủ can đảm để cáng đáng hết sức nặng của nó cũng không thể bứt ra để sống với con người mà anh ta nghĩ là đúng và vì thế anh ta bị mắc kẹt bởi sự yếu đuối của bản thân mình. Đọc phần 1 thấy rất cuốn hút về hành trình của anh ta nhưng đến đoạn cuối thì đúng là không còn gì hấp dẫn về nhân vật này nữa rồi.

Phần tiếp theo là về Ellsworth M. Toohey. Đây là nhân vật mà lúc mới đầu đọc thấy rất khó hình dung ra là người như thế nào, tốt hay xấu hay ý đồ của anh ta là gì, phải đọc đến gần những trang cuối cùng thì mới có một hình dung rõ nét hơn về con người này. Đây là một nhân vật cao tay và phức tạp hơn Peter nhiều và cũng vì vậy tính hai mặt của anh ta khó nhìn ra những đồng thời cũng sâu sắc hơn ai hết. Ellsworth là một giảng viên đại học đồng thời cũng là một nhà phê bình kiến trúc, ông ta viết một mục cho tờ báo Ngọn cờ và là một nhân vật được đánh giá rất cao trong giới kiến trúc. Ông ta trông gầy yếu, xanh xao nhưng có một vẻ tao nhã rất quý tộc. Một mặt ông ta hiện lên là một người thông minh, hài hước, nho nhã một học giả không màng đến tiền tài, danh vọng, đấu tranh hết mình cho tầng lớp lao động , một người rất…vị nhân sinh. Ông ta được cả tầng lớp lao động lẫn tầng lớp tinh hoa yêu quý. Và thật ra thì ông ta thông minh thật, ông ta nhận biết được rõ ràng cái gì có giá trị và cái gì không và ông ta còn đủ giỏi để nhận ra và thao túng được cảm xúc của người khác nữa. Nhưng cái ông ta thật sự mong muốn lại rất méo mó. Ông ta không muốn dùng trí tuệ của mình để sống một cách chân chính và đúng đắn mà ông ta muốn có được sự công nhận và yêu mến của tất cả mọi người. Ông ta muốn đóng vai Chúa nhân từ. Và ai là người cần được Chúa giúp đỡ nhất ? Những người yếu đuối, hoang mang về tư tưởng, những người mù quáng chạy theo đám đông và để đám đông áp đặt suy nghĩ cho mình và họ sẽ phải yếu đuối và mù quáng mãi như thế thì mới có thể vừa cần và vừa sợ ông ta được. Ông ta có một khả năng đặc biệt trong việc nhìn ra được những người yếu đuối, thiếu bản lĩnh và niềm tin vào bản thân, để thao túng, xoay chuyển và gieo những hạt mầm để họ sau này thành con tốt cho những tham vọng của mình. Cũng chính vì vậy mà ông ta căm ghét Howard, bởi ông ta nhìn ra được tài năng của anh và việc anh không bao giờ chịu khuất phục những lề thói giả tạo và chỉ sống và làm việc theo cách tốt nhất có thể với anh. Dẫu cho Howard sống lặng lẽ và rất ít người nhận ra được giá trị thực sự của mình nhưng Ellsworth sợ cái thứ ánh sáng ấy của Howard có thể một ngày nào đó xóa tan sự mù lòa của mọi người, thứ mà Ellsworth ra sức gây dựng và giữ gìn để có thể tự nâng tầm của chính mình lên. Và vì vậy, Ellsworth tìm cách hãm hãi sự nghiệp của Howard theo một cái tàn nhẫn nhất. Đây là một nhân vật thú vị, gây tò mò và rất hay.

Nói một chút về Dominique Francon – người yêu của Howard Roark. Là người yêu của Howard thì hẳn là cô cũng không bình thường 😀 Dominique cực kỳ xinh đẹp (giàu có nữa), thông minh, và mặc dù khả năng ăn nói , viết lách thượng thừa và rất quảng giao, cô gây cho người ra cảm giác ngạo mạn và coi thường người khác ,vẻ thờ ơ như thể không ai có thể chạm đến được tâm hồn cô vậy. Và thực sự là như thế, cho đến khi Dominique gặp được Howard. Họ dường như yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên , một thứ tình cảm vừa mãnh liệt và vừa có sự thấu hiểu sâu sắc. Trên khía cạnh nào đó Dominique rất giống Howard : cô thấy những thứ mọi người ra sức theo đuổi và khoe khoang thật phù phiếm, cô thông minh và không giả tạo (mặc dù có thể làm rất tốt vai trò đấy nếu cô muốn) và cô biết nhìn nhận được những thứ thật sự có giá trị. Mặc dù vậy, Dominique cũng là một người rất cực đoan. Đối với cô, hoặc là có tất cả hoặc là không có gì. Trước khi gặp Howard, cô sống theo kiểu thờ ơ, không gắn bó với bất cứ cái gì hết vì cô thấy mọi người đều giả tạo và chạy theo những thứ thật tầm thường và cô nghĩ rằng những thứ có giá trị không thể tồn tại được. Khi gặp Howard và nhận ra được tình yêu của cô dành cho anh cũng như tình yêu và tài năng của anh, một mặt cô sợ phải gắn bó vì đối với cô Howard đã trở nên quá quý giá, một mặt khác, cô cũng không thể chịu được việc tài năng và các công trình của anh bị dèm pha và không được công nhận đúng đắn, cô không thể chịu đựng được sự giả tạo của mọi thứ khi mà những thứ vô giá trị được tôn vinh còn những thứ thật sự quý giá bị thờ ơ và chà đạp, nếu mà như thế thì những công trình ấy thà không có ngay từ ban đầu còn hơn!! Vậy nên cô tìm mọi cách để Howard không nhận được hợp đồng nào. Sau này khi Howard bị Ellsworth bị hãm hại và (lại) mất hết tất cả, cô tự trừng phạt mình theo một cách cũng cực đoan không kém như một cách để lẩn tránh và cũng là để chịu chung sự mất mát với Howard. Mặc dù vậy, đối với mình cách suy nghĩ và hành động của Dominique rất khó hiểu, chắc bởi vì mình không có tư tưởng cực đoan đến thế.

Phần thứ 3 là về Gail Wynand. Cứ tưởng Gail Wynand sẽ là trùm cuối sẽ tìm mọi cách đánh bại Howard Roark nhưng không phải vậy, đến cuối cùng, người ông ta cần đánh bại cũng như cần cứu vớt là chính bản thân mình. Gail Wynand có những phẩm chất giống như là Howard Roark vậy. Lớn lên từ khu ổ chuột Hell’s Kitchen, nhưng Gail Wynand với sự thông minh, tinh thần tự học hỏi và một ý chí mạnh mẽ khủng khiếp đã vượt lên tất cả để trở thành một ông trùm trong ngành báo chí và đồng thời tỷ phủ ngầm trong giới bất động sản. Ông sống mà không thiếu một cái gì cả: từ sự xa hoa, nổi tiếng, quyền lực và đàn bà nhưng đâu đó ông ta lại cảm thấy sự trống rỗng. Dù giàu có với một đống tài sản, bất động sản, cổ phiếu,… nhưng tờ báo Ngọn Cờ New York mới là nơi ông dành tâm huyết nhất. Tuy vậy, với tờ báo yêu quý này của mình, ông bán mình cho công chúng để cho tờ Ngọn Cờ chạy theo những scandal, những tin tức giật gân, nó làm thỏa mãn công chúng, nó không có quan điểm hay tư cách, nó chạy theo tất cả những thứ thức thời. Chính từ tờ báo này mà ông đã xây dựng lên tất cả. Nếu Wynand đơn giản giống như Alvah Scarret – tay chủ bút kỳ cựu gắn bó với ông và tòa báo, có lẽ ông đã hạnh phúc với tất cả những gì mình có vì Alvah thực sự tin vào đám đông và tất cả những thứ nhảm nhí mà ông ta viết ra nhưng Wynand thì không như vậy, ông ta giống Howard Roark bởi được ban cho một khả năng và cả một ý chí độc lập. Ông ta đã từng nghĩ là mình có quyền lực và đứng trên tất cả để cười nhạo. Cho đến khi ông ta gặp Howard Roark và ngắm những công trình của anh, cảm giác của ông ta như thể là ông ta đã tìm thấy linh hồn của mình vậy. Ban đầu Wynand dựa vào Howard để tìm và nhìn ngắm linh hồn mà ông ta ngỡ như không có, điều đó thực sự làm ông ta hạnh phúc nhưng rồi Howard đã đẩy ông vào một tình huống mà không thể sống nước đôi được nữa, ông phải lựa chọn giữa việc sống theo số đông hay là chính mình. Đến cuối cùng, mình nghĩ chính Wynand là người đáng thương hơn cả bởi vì ông ta là người mâu thuẫn nhất và đủ thông minh để nhận ra được điều đó và nhận thức sâu sắc nhất nỗi đau mà nó gây ra cho mình.

Phần cuối cùng chính là về Howard Roark, nhân vật trọng tâm của cuốn sách và chính xác hơn là nhân vật đại diện cho con người lý tưởng mà tác giả xây dựng. Mặc dù xuất hiện không hề nhiều (kể cả trong phần cuối về chính anh) và cũng không nói năng quá nhiều, hình tượng của Howard Roark được xây dựng một cách từ từ nhưng vững chắc từ những người tiếp xúc với anh và cả trong sự đối lập với những nhân vật khác. Howard Roark hiện lên là một người: sống chính trực, làm việc hết mình và hăng say nhưng nhất định là theo những quy tắc của bản thân và anh không chịu nhượng bộ để sống khác đi, mặc dù điều đó kéo theo vô số những bất lợi và cả đối đầu mà anh gặp phải trong suốt quãng thời gian làm việc của mình. Chỉ một số ít những người có thể thực sự nhìn ra được giá trị từ những công trình anh tạo nên và rồi họ trở thành những người cực kỳ gắn bó và bảo vệ anh, không chỉ vì bản thân anh mà vì họ muốn bảo vệ một lẽ sống. Thực sự, Howard Roark là đại diện của một người sống vị kỷ. Nhưng từ vị kỷ ở đây được hiểu là: một người biết và coi trọng khả năng của anh ta, anh ta sáng tạo và lao động hết mình, và người ta không thể mua chuộc linh hồn của anh được. Để làm được như vậy, người sáng tạo cần có sự độc lập, anh ta phải sống vì bản thân mình và động lực sáng tạo của anh phải đến từ chính anh. Ở đoạn cuối của cuốn sách, Howard Roark đã có một bài phát biểu dài hơi nhất của anh trong cả cuốn sách và nó tổng kết khá rõ về quan điểm sống và cách nhìn nhận của anh, nó quá rõ ràng rồi nên cũng không có gì để thắc mắc, câu hỏi ở đây là : vậy thì bạn nghĩ sao về quan điểm đấy?

Thực sự thì tư tưởng chủ nghĩa cá nhân này được miêu tả rất đẹp, mang đầy sức mạnh và ca ngợi con người như một thực thể đẹp đẽ nhất, một phong cách cá nhân đậm chất Mỹ (hay nói đúng hơn là một tư tưởng rất giống của một người theo đảng Cộng Hòa 😀). Và cũng vì ca ngợi quyền độc lập của con người, nó phản đối tư tưởng tập thể, khi mà tất cả mọi người bị cào bằng, khi mà con người bị bắt phải hy sinh vì lợi ích tập thể và phải từ bỏ chính mình. Trên nhiều phương diện, mình nghĩ là tác giả nói đúng, lý tưởng của tập thể và sự quên mình đã bị lợi dụng bởi các tên độc tài, những vị quân vương và cả tôn giáo để khiến tất cả chúng ta ghìm bản thân mình xuống, trong nhiều trường hợp, người ta không thể phát triển tối đa được khả năng và mong ước của mình vì mù quáng sống theo những tiêu chuẩn của người khác. Xã hội hiện đại, dù ở đâu, cũng càng ngày càng nâng cao chất lượng sống và những quyền lợi cá nhân của con người, đúng như tác giả kỳ vọng.

°°°°°°°°°°°°°°°°

Nhưng nói qua thi cũng phải nói lại, chủ nghĩa cá nhân không hoàn toàn tốt đẹp như vậy vì chúng ta thì không thể là con người lý tưởng như Roark (mặc dù chúng ta muốn nghĩ rằng mình như vậy 😉 Mình nghĩ tác giả cũng không có ý là mọi người đều có thể trở thành người vĩ đại mà chỉ xây dựng một hình tượng để chúng ta hướng đến như một hình mẫu lý tưởng mà một con người nên-là chứ không phải là con người đang-là. Nhưng việc trở thành một người nên-là thực sự là khó trên rất nhiều phương diện. Nó không phải chỉ là sự đối đầu với thế lực muốn kìm hãm con người, nó đầu tiên bắt đầu bằng việc biết mình là ai đã, mà câu hỏi này thì thật sự không dễ để trả lời bởi vì con người thay đổi và nhiều khi không phải người ta được là chính mình mà là người ta xây dựng lên con người mình và rồi lại tự diễn giải lại về bản thân mỗi ngày. Rồi sau đó, nó càng trở nên rắc rối khi mà nhiều khi người ta không thể nhận ra những thứ mình đang làm có đang bị chi phối bởi điều gì đó không, chẳng hạn như : mình làm công việc này vì mình thực sự mong muốn nó hay mình chỉ đang làm theo hoặc ngược lại đang phản kháng lại xã hội ? Mình thực sự có tài năng ở lĩnh vực này hay đó chỉ là sự ngộ nhận? Làm sao để sống hết mình và tìm được điều mình luôn khao khát ? Con người nói chung, theo hiểu biết của mình, không bao giờ có thể hoàn toàn tách biệt được suy nghĩ và cả hành động của anh ta với tập thể được. Và dẫu có những cá nhân xuất sắc khiến cả nhân loại sau này được hưởng thành tựu của họ, thì họ cũng không thể hoàn toàn tách biệt khỏi cộng đồng, và những giá trị mà họ tìm ra cũng bắt đầu từ nền tảng là sự thừa hưởng từ những thành tựu của những người đi trước họ. Điều quan trọng ở đây, có lẽ là ở chỗ, họ đã can đảm chọn một lối đi khác hoặc có một tầm nhìn vượt lên trên được những gì thời đại của anh ta có thể thấy. “Suối nguồn”, vì vậy, chỉ đề cập đến phương diện tích cực trong tư tưởng “ chủ nghĩa cá nhân” , và đồng thời cũng là chỉ đề cập đến phương diện tiêu cực của tư tưởng “vị nhân sinh”. Nhưng dù sao thì nó cũng không phải một cuốn self-help hay cẩm nang đạo đức, nó là một cuốn tiểu thuyết mà tác giả của nó đã đề cập được tối đa quan điểm triết học của mình thông qua những nhân vật sống động.

Tóm lại là, sau khi nghĩ đi nghĩ lại về tư tưởng của cuốn sách này thì điều mình rút ra là : hãy sống mãnh liệt bằng lao động chân chính, đừng để đánh mất linh hồn mình bằng cách chạy theo cách sống và những khao khát của người khác, cũng đừng để họ định nghĩa hộ bạn cách bạn phải sống như thế nào. Giá trị của bản thân bạn phải do chính bạn định ra và bạn chỉ có thể sống hạnh phúc theo cách ấy.

Rating : ⭐⭐⭐⭐/5

Link mua sách trên TIKI : HERE

Share this

Leave a Reply