Loading…

# Điểm sách – Bẻ khóa bí mật triệu phú (Thomas J. Stanley, William D. Danko)

Thế giới tiền số vừa có một vụ rung chuyển sau cú sụp đổ của sàn tiền số lớn thứ 3 thế giới FTX. Theo đó, giá trị tài sản của vị cựu CEO Sam Bankman-Fried từ đâu đó 16 tỷ Mỹ kim xuống thành đâu đó 100.000 USD (mặc dù cũng ko biết anh ta có tẩu tán tài sản bằng bất động sản ở đâu không). Vị “thiên tài” trẻ này nối tiếp Do Kwon của đồng tiền số LUNA tiếp tục làm thất vọng những người đang nắm giữ và quan tâm đến tiền số. Khi đọc các bài báo viết về FTX và cách mà nó (phần nào) được vận hành, sự nhập nhằng của nó với quỹ đầu tư Alameda Research, mình ngỡ ngàng về cách mà công ty này chi tiêu tiền nong.

Vậy nên trong post hôm nay, thay vì các thiên tài IT trẻ tuổi có quá nhiều tiền mà không biết tiêu hoặc là chỉ giỏi gây sốc và sa thải người khác, mình xin giới thiệu một cuốn sách về những triệu phú nhà bên gần gũi và thực tế hơn, những người có khả năng kiếm tiền và cả giữ được của cải đến tận lúc chết!


“Bẻ khóa bí mật triệu phú” là cuốn sách nghiên cứu về những triệu phú Mỹ, tức là những người có tài sản từ 1 triệu USD trở lên. Hai tác giả đã nghiên cứu và phỏng vấn những đại gia này để tìm ra bí mật trong cách tư duy để tìm ra bí quyết giúp họ trở nên giàu có như vậy. Câu trả lời của những triệu phú này có thể sẽ khiến nhiều người bất ngờ. Điều quan trọng nhất có thể rút ra từ cuốn sách này đó là : tải sản của bạn không phụ thuộc nhiều vào thu nhập của bạn, mà phụ thuộc nhiều vào cách bạn quản lý và chi tiêu tiền bạc, lao động chăm chỉ và tính kỷ luật cao.

Khái niệm giàu có mà cuốn sách này đề cập đến là những người có giá trị tài sản ròng cao- tức là những gì còn lại sau khi đã trừ đi các khoản phải trả. Khi đề cập đến khái niệm giàu có, các tác giả cũng sử dụng xuyên suốt trong cả cuốn sách hai khái niệm nữa đó là: PAW – những người tích lũy của cải xuất sắc và UAW tức những người tích lũy tài sản kém. Chẳng hạn như thế này: Ông A, có tổng thu nhập 1 năm là tầm 90.000 USD, giá trị tài sản ròng được kỳ vọng của ông (cái này tính dựa trên một công thức) là tầm 451.000 USD nhưng thực tế ông đã có số tài sản lên đến 1,1 triệu USD —> ông là PAW. Một ông B khác, cũng có thu nhập và độ tuổi tương tự, nhưng khả năng tích lũy của ông chỉ là 220.000 USD —> ông này là UAW. Có một sự khác biệt lớn trong cách mà PAW and UAW suy nghĩ và tiêu tiền.

Không phải UAW nào cũng kiếm tiền kém, rất nhiều trong số đó có thu nhập rất cao vì họ thuộc giới tri thức và làm những nghề nghiệp mang lại thu nhập lớn. Nhưng vấn đề ở chỗ họ có mức chi tiêu quá cao để cho phù hợp với tầng lớp xã hội mà họ (chọn để) sống cùng. Đồng thời, tư duy về đầu tư và kỷ luật với tiền bạc của họ kém, họ dành nhiều thời gian cho mua sắm và hưởng lạc thay vì lên kế hoạch chi tiêu và đầu tư vậy nên cuối cùng số tiền còn lại chẳng đáng là bao. Một điều có thể rút ra từ các UAW ở Mỹ đó là: kiếm nhiều tiền thì dễ hơn là giữ được nhiều tiền.

Các PAW thì trái ngược lại hoàn toàn. Tuy phần lớn họ là dân kinh doanh hoặc lao động tự do nhưng không phải ai cũng có thu nhập cao, chỉ có chưa đến 20% số triệu phú có từ 10% tài sản trở lên là do thừa kế còn lại chủ yếu là những tỷ phú tự thân, vươn đến đỉnh cao mà không nhờ đến tài sản thừa kế. Phần lớn trong số họ không sở hữu những công ty lớn hay làm trong những ngành nghề hot-trend, họ làm đủ thứ nghề khác nhau và trông bình thường, như là hàng xóm bên cạnh nhà bạn vậy (ờ thì phần lớn trong chúng ta không sống cạnh nhà Bill Gates hay là nhà bác Vượng). Nhan đề cuốn sách này trong tiếng Anh là “Millionaire next door” (triệu phú nhà bên), chính là để nói về những người trông thì giản dị mà có tài sản lên đến hàng trục triệu USD, thuộc 3,5% những người nắm giữ 50% tài sản nước Mỹ. Điểm chung của họ đó là: họ sống giản dị hơn nhiều so với khả năng cho phép. Điều này có nghĩa là họ thấy thoải mái khi sống cuộc sống của những người bình thường, ở một căn hộ bình thường, đi một cái xe không nổi bật và tiêu xài rất căn cơ. Họ ít ly dị 😂 và người bạn đời của họ có phong cách sống tương tự như họ thậm chí còn tiết kiệm hơn. Một đặc điểm nổi bật nữa là họ dành nhiều thời gian hơn để lập kế hoạch tài chính: tính toán về chi tiêu và đầu tư, kiểm soát được mình chi tiêu như thế nào và vào cái gì, làm sao để tối thiểu hóa khoản thuế phải trả và tối đa thu nhập trên sổ sách. Nhưng cuốn sách này không đi vào chi tiết họ đầu tư vào cái gì nhưng có đề cập đến một chi tiết là hầu hết những triệu phú này mang phong cách đầu tư giá trị, họ không giao dịch thường xuyên mà nắm giữ các cổ phiếu rất lâu dài. Liên quan đến việc quản lý và đầu tư thì họ chọn cố vấn tài chính rất khắt khe để có thể tin tưởng vào người tư vấn về tiền bạc cho mình.

Tác giả cũng dành một vài chương viết về cách các PAW nuôi dạy con cái. Thường thì họ khuyến khích con cái học tập ở những ngành liên quan đến tri thức như luật sư, bác sỹ chứ không thực sự khuyến khích con cái kinh doanh và quản lý công ty gia đình của họ vì họ biết kinh doanh rất rủi ro và cũng phụ thuộc nhiều vào may mắn trong khi nếu có trí tuệ thì không ai có thể cướp đi được điều đó khỏi mình, và lúc nào ta cũng có thể kiếm tiền nhờ nó. Ngoài ra, họ cũng rất chặt chẽ trong việc di chúc cho con cái của mình, tìm người ủy thác có năng lực để giải quyết tài sản thừa kế, sao cho tránh được xung đột giữa những đứa con. Bên cạnh những bậc phụ huynh như vậy thì tác giả cũng dành 1,2 chương để nói về những trường hợp ngược lại, là những người con bị phụ thuộc kinh tế vào cha mẹ, khi cha mẹ họ hỗ trợ về tiền bạc, vật chất kể cả khi đã lớn và có gia đình riêng. Điều này làm cho những người con đã lớn này phụ thuộc vào cha mẹ họ, họ sống một mức chi tiêu cao hơn nhiều so với khả năng mình kiếm được mà vẫn thường xuyên túng thiếu cũng như sự lo lắng về tiền bạc, thiếu can đảm để đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, cũng như luôn lo sợ một ngày mà sự hỗ trợ từ cha mẹ họ không còn nữa.

°°°°°°°°°°°°°°°°

Nói chung cuốn sách này không nói điều gì quá cao siêu, những triệu phú được kể đến không có vẻ gì là kiệt xuất và siêu việt như kiểu Elon Musk hay Jeff Bezos nhưng chính vì thế phấn đấu thành một người như một trong số họ trở thành điều gì đó một người bình thường như chúng ta có thể phấn đấu được. Dù rằng có thể cuối cùng ta không kiếm được hàng triệu USD đi chăng nữa nhưng một lối sống cần kiệm, chi tiêu hợp lý, một cái nhìn tỉnh táo về tiền bạc sẽ luôn giúp ta về lâu về dài, để sức khỏe tài chính cá nhân ổn định hơn và để ta thực sự là ông chủ chứ không phải nạn nhân của đồng tiền.

Share this

Leave a Reply