
#Điểm sách – Quảng trường và tòa tháp (Niall Ferguson)
Lâu rồi không viết gì trên blog, từ đầu năm đến giờ được lèo tèo vài bài, tháng trước còn không có bài nào! Một phần vì bận, một phần vì dạo này thời gian biểu của mình cũng lộn xộn. Hết tháng 9 này mình sẽ phải lên kế hoạch lại, có thể sẽ thay đổi một chút cách thức mình viết bài, dù sao đi nữa thì mình vẫn muốn viết, mặc dù nhiều khi mình cũng không biết phải viết về cái gì nữa 😄 Đôi khi mình nghĩ là viết review sách chỉ là cái cớ để mình được viết thôi 😄
Mà hôm nay mình trở lại với một bài review về một cuốn sách thuộc đề tài lịch sử: “Quảng trường và tòa tháp”, của Niall Ferguson, một tác giả mình khá là yêu thích
“Quảng trường và tòa tháp” là cuốn sách viết về lịch sử của Niall Ferguson trong đó ông tập trung vào khoảng 2 thế kỷ gần đây, thời kỳ mà các mạng lưới xã hội bắt đầu nở rộ và đóng một vai trò lớn trong việc định hình xã hội mà chúng ta đang sống. Quảng trường chính là đại diện cho mạng lưới – tức là tập hợp những con người, được kết nối bởi cùng một mối quan tâm nào đó chẳng hạn như: mạng lưới thương nhân, mạng lưới các nhà khoa học, mạng lưới những nhà cách mạng,…rồi sau này là cả mạng lưới điện thoại, mạng lưới internet. Còn Tòa tháp chính là hình ảnh đại diện cho hệ thống quyền lực, thứ đã và đang kiểm soát các xã hội và nền văn minh từ lịch sử đến hiện tại.
°°°°°°°°°°°°°°°°
Trong quá khứ, dù ở bất cứ xã hội hoặc nền văn minh nào, khi xã hội loài người bắt đầu bành trướng hơn mức một bộ lạc, thì một hệ thống phân bậc xã hội đều ra đời, để kiểm soát và duy trì trật tự cho xã hội đó. Để duy trì sự ổn định cho cấp thấp và quyền lực cho những người ở cấp cao, các xã hội luôn duy trì bằng văn hóa, luật lệ và những quy định nghiêm ngặt, đe dọa bất cứ ai thách thức lại điều ấy, và bên cạnh đó, sự thiếu kết nối giữa các cá nhân trong một xã hội khiến cho mọi người về cơ bản đều tuân thủ và mặc nhiên chấp nhận xã hội mà mình đang sống một khi nó đã được đình hình ở một mức độ ổn định nhất định. Tuy các cuộc chiến tranh diễn ra liên miên vì tham vọng hoặc vì sự mất ổn định của một xã hội ở những thời điểm nào đó. Tuy nhiên, khi quyền lực đã được thống nhất, hầu như những người đứng đầu sẽ luôn là những người được hưởng đặc quyền lớn nhất, duy trì quyền lực và tiền bạc cho các đời con cháu mình một cách nghiễm nhiên. Những người ở tầng lớp cao, hoặc một vài cá nhân kiệt xuất, có thể có tiếng nói và góp phần vào dòng chảy thay đổi của lịch sử, nhưng hầu hết mọi người đều chỉ cơ bản nương theo dòng chảy cuộc đời và không có tiếng nói hay vai trò gì đáng kể. Một ngoại lệ hiếm hoi là nền văn minh Hy Lạp – La Mã, nền văn minh và trong đó tri thức nở rộ và đã cho ra đời rất nhiều những tư tưởng tiến bộ, có ảnh hưởng đến tận ngày nay. Tuy nhiên, nền văn minh ngắn ngủi này, nếu xem xét kỹ lưỡng, vẫn là một nền văn hóa mà người đứng đầu nắm giữ tất cả, những kẻ thua cuộc làm nô lệ, chỉ là những nhà lãnh đạo và lập pháp ở nền văn minh này, đã tìm ra được sự hài hòa rất cao giữa những yêu cầu của tầng lớp quý tộc và những mong muốn của dân thường.
Vậy điều gì là khác biệt trong khoảng 2 thế kỷ trở lại đây ? Đó là sự nở rộ của các mạng lưới, đầu tiên bằng việc phát triển các thuyền bè vượt biển, giúp các thương gia của châu Âu tìm đường đến các bến bờ mới và các quốc gia khác, góp phần mở ra sự giao thương giữa các quốc gia, và lục địa. Sự phát triển này mang đến sự thịnh vượng và rồi nó lại góp phần tạo ra và mở rộng sự phát triển các mạng lưới khác nữa, như sự nở rộ của khoa học và tri thức, tiếp đến là sự ra đời của cách mạng công nghiệp. Nó mở đường cho sự phát triển của châu Âu trong việc khai phá và cai trị các lục địa, đặc biệt là ở châu Mỹ, nơi mà có thể nói châu Âu đã chiếm làm của mình. Dần dần, những quốc gia này cũng phát triển những mạng lưới của riêng nó, tiếp thu và chỉnh sửa từ những mạng lưới khác và từ sự giao thoa, học hỏi giữa các quốc gia và các mạng lưới, và rồi từ đó tạo nên những làn sóng mới, thay đổi hệ thống thứ bậc hiện tại và tạo ra hệ thống thứ bậc mới, điển hình có thể kể đến: như làn sóng nổi dậy của các nước thứ 3 đòi độc lập khỏi chủ nghĩa đế quốc của châu Âu ,hay sự nổi lên của Mỹ chống lại Anh để giành độc lập rồi sau đó biến chính nó trở thành siêu cường,…
Không chỉ thay đổi các thể chế, sự phát triển của nó làm thay đổi cả bản chất của mối quan hệ giữa hệ thống thứ bậc và người dân bình thường. Mặc dù một hệ thống quyền lực vẫn là cần thiết để duy trì xã hội, nhưng ở nhiều nơi, việc chấp nhận người lãnh đạo tối cao là người có tiếng nói duy nhất và luôn đúng đắn đã không còn nữa, cũng như là sự tách biệt của tôn giáo ra khỏi hệ thống quyền lực. Các nhà nước thế tục đã ra đời. Điều này cũng có nghĩa, vai trò và quyền lợi cũng như tiếng nói của mỗi người dân trước hệ thống quyền lực đã thay đổi. Các nhà nước bây giờ, cố gắng nâng cao quyền tự do, nhân quyền và những quyền lợi khác cho người dân, và dùng điều đó để duy trì và làm tôn chỉ cho những quyết định của mình cũng như là con bài mới để thu hút lòng dân, thay vì lá bài ‘người được chọn’ như các vị vua chúa ngày xưa hoặc là vì ‘chúa dẫn dắt’ như là nhà nước tôn giáo trước đó. Tất nhiên, điều này đúng hơn với các xã hội Âu Mỹ và lệch dần khi tiến về miêu tả các quốc gia châu Á, châu Phi và Trung Đông vì lịch sử phát triển và văn hóa của mỗi quốc gia là khác nhau và mạng lưới phát triển cũng khác nhau giữa các nơi khác nhau. Nhưng có thể nói, sự phát triển và nở rộ của các mạng lưới đã làm xã hội loài người thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong một thời gian ngắn hơn bao giờ hết. Điều này đã xảy ra và sẽ tiếp tục biến đổi xã hội, khi mà sự ra đời của mạng lưới điện thoại và sau đó đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới internet và điện thoại thông minh sẽ tiếp tục biến đổi xã hội, theo những cách mà chúng ta khó lòng có thể dự đoán được.
°°°°°°°°°°°°°°°°
Nhưng mạng lưới không chỉ mang lại những biến đổi tích cực, nó cũng mang lại cả những thách thức nữa. Điểm khiến mạng lưới phát triển chính là sự linh động, khả năng phát triển và phát tán những tư tưởng mới , nhưng điều đó cũng tiềm ẩn rất nhiều những sự hỗn loạn và bất ổn và những nhà nước hiện đại dường như chưa biết cách đối phó với điều này. Một ví dụ chính là sự phát triển của các mạng lưới khủng bố, nước Mỹ đã chi tiêu một số tiền khổng lồ để ngăn chặn khủng bố. Tuy nhiên, có vẻ như họ đã hiểu sai vấn đề, chính quyền Mỹ đối xử với khủng bố như một hệ thống thứ bậc và tìm cách tiêu diệt kẻ trùm sò thay vì hiểu nó như một mạng lưới với các mối nối quan trọng và việc triệt tiêu các nút quan trọng trong mạng lưới này mới là thứ khiến hệ thống phân rã và thực sự bị tiêu diệt, nếu không , nó sẽ chỉ như chặt đầu con rắn Medusa, với những cái đầu mới sẽ tiếp tục mọc lên mà thôi. Nhưng không chỉ là mạng lưới khủng bố, mọi mạng lưới trong xã hội hiện đại đều tiềm tàng những nguy cơ, vì các mạng lưới giao thoa lẫn nhau, không ngừng mở rộng, triệt tiêu hay bị biến đổi, mang lại rất nhiều những cơn đau đầu cho các nhà quản lý. Nhưng sự phát triển của mạng lưới là không thể đảo ngược, ta chỉ có thể tiếp tục sống với các nguy và cơ mà nó đem lại mà thôi.
Trên đây là nội dung sơ sơ của cuốn ‘Mạng lưới và quyền lực’ mà mình nắm được, đọc lâu rồi mà giờ mới review nên quên cũng nhiều. Trong cuốn sách này, tác giả còn đề cập đến rất nhiều vấn đề khác, làm sáng tỏ một số bí ẩn của các hội kín nổi tiếng thế giới như : hội Tam điểm, hội Illuminati,… Các hội kín này chính là hình thức quy mô nhỏ của các mạng lưới. Tuy rằng vai trò của các hội kín này không hoàng tráng như trong các thuyết âm mưu, nhưng cũng có đóng góp không nhỏ trong dòng chảy lịch sử hiện đại. Ngoài ra tác giả còn đi sâu vào miêu tả cách hình thành, tầm quan trọng của các điểm nút trong mạng lưới,…khá chi tiết. Nếu từng đọc các cuốn sách khác của cùng tác giả, bạn có thể thấy vài điểm quen thuộc khi ông nhắc lại về một vài nhân vật, sự kiện quan trọng nổi bật trong 2 thập kỷ gần đây như : nhà Medeci ở Ý, gia tộc Rothschild ở Anh, cựu ngoại trưởng ngoại giao kỳ cựu của Mỹ Henry Kissinger, bộ ngũ điệp viên cho Nga ở Anh trong thế chiến 2,… hay cả cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008 ở Mỹ, tất cả trong mối liên quan đến các mạng lưới.
Nói chung, cuốn này đọc cũng khá được, tác giả có cách viết dễ hiểu, dưới một góc nhìn và tổng kết về lịch sử rất thú vị được minh họa bằng các câu chuyện về những hội nhóm, cá nhân rất thuyết phục và ấn tượng, là một cuốn sách đáng đọc với những người quan tâm về lịch sử.