#Review Book – Một vài cuốn sách khiến bạn suy nghĩ tích cực hơn
Mình mới đi tiêm vaccine Covid hôm thứ 5 và mất 2 ngày bị hành hạ bởi tác dụng phụ của vaccine. Lâu lắm rồi mình mới bị một trận ốm tơi tả đến như vậy. Nhưng đến hôm nay thì mọi thứ gần như trở lại bình thường, sức khỏe của mình đã trở lại khoảng 90-95% rồi, mình gần như hết hoàn toàn đau đầu, có thể đi lại vận động bình thường và vị giác cũng như sự thèm ăn cũng bắt đầu trở lại nữa. Hoàn hồn từ cơm ốm, mình bỗng thấy những thứ bình thường như việc được đi lại hay có thể ăn một bữa ăn bình dị thôi mà cũng thấy vui và thấy ngon miệng, điều này thật là hạnh phúc. Mình bỗng thấy trân trọng cuộc sống của mình hơn nhưng đồng thời viễn cảnh tiêm mũi vaccine thứ 2 vào một ngày không xa trở nên đáng sợ hơn. Dù sao thì ít nhất mình cũng tương đối khỏe mạnh trở lại và mình thấy may mắn vì điều ấy.
Thật sự cuộc sống của mình trong đại dịch lần này không đến nỗi bị đảo lộn quá nhiều như nhiều người khác vì mình vẫn có thể duy trì công việc bằng làm việc ở nhà , tuy có bức bách nhưng cũng không đến nỗi rơi vào cảnh không có công việc hay không có thu nhập, hay tệ hơn bị covid. Thành phố Hồ Chí Mình hiện tại có đến hơn 200k nhiễm và hơn 10k ca tử vong 🙁 , vô số người bị mất việc và phải sống trong cảnh túng quẫn. Và hầu như tất cả những gì mọi người có thể làm bây giờ chỉ là kiên nhẫn ngồi nhà chờ đợi và làm theo những gì mà Chính Phủ yêu cầu. Trong hoàn cảnh này, những suy nghĩ tiêu cực có lẽ là không thể tránh khỏi, kể cả từ một người ít bị tác động bởi Covid nhất như là mình đây. Mình nghĩ đến việc viết review một số những cuốn sách có nội dung tươi sáng, có tính động viên. Mặc dù tác phẩm kết thúc có hậu thì nhiều, lấy đơn giản là bạn có thể đọc hầu như bất cứ cuốn sách thiếu nhi nào 🙂 nhưng hợp hoàn cảnh và mang tính động viên thì lại hơi khó nghĩ 😛 Sau khi tra cứu một hồi kết hợp vận dụng truy hồi bộ não hay quên của mình, mình cũng nghĩ ra một số ứng cử viên như dưới đây. Đây là danh sách có cả sách hư cấu lẫn phi hư cấu luôn. Nào, chúng ta hãy nhìn sự lạc quan ở nhiều khía cạnh! Let’s go!
Trước tiên là sách truyện hư cấu
Điều kỳ diệu ở tiệm tạp hóa Namiya – Higashino Keigo
Khi nghĩ đến một tác phẩm hư cấu nào đó có nội dung tích cực và nhẹ nhàng, không hiểu sao mình nghĩ ngay đến cuốn sách này và cũng chỉ nghĩ ra mỗi cuốn này 😀 Tại sao thì mình cũng không biết nữa nhưng đọc cuốn sách này khiến mình thấy cuộc đời này vẫn còn tươi đẹp. Đây là một cuốn sách nhẹ nhàng, có chút yếu tố kỳ bí gây hấp dẫn tò mò cho người đọc, tác giả kể nhiều câu chuyện nhỏ xảy ra tại các không gian và thời gian khác nhau nhưng cuối cùng tất cả đều quay về chung một đáp án với tiệp tạp hóa Namiya chính là mắt xích đầu tiên và cuối cùng. Khi tất cả những miếng ghép được ghép lại, ta thấy một câu chuyện ấm áp dịu dàng khiến bạn khóc rồi lại khiến bạn cười.
Câu chuyện bắt đầu 3 tên trộm nghiệp dư : Atsuya, Shota và Kouhei. Đói khát và túng quẫn khiến họ đột nhập vào một gia chủ giàu có để trộm cắp nhưng không thể đen đủi hơn, gặp đúng lúc chủ nhà về và thế là ba ông trộm phải trốn chạy. Trên đường đào tẩu, họ lọt vào một căn nhà bỏ hoang tên là ‘Tiệm tạp hóa Namiya’ và chỉ định ở tạm chốc lát. Nhưng kỳ lạ thay, từ khe cửa hẹp, họ bất ngờ nhận được một bức thư…nhờ tư vấn dù có vẻ ở ngoài không có ai gửi cả. Kỳ lạ hơn nữa, dù là bức thư mới nhưng thời gian và câu chuyện của người nhờ tư vấn là từ..30 năm trước ?! Từ phần mở đầu gây tò mò như vậy, tác giả dẫn dắt chúng ta vào 5 câu chuyện khác nhau và cuối cùng tất cả kết nối lại một cách thần kỳ nhưng cũng rất logic. Câu chuyện của ‘Điều kỳ diệu ở tiệm tạp hóa Namiya’ nhìn chung câu chuyện là về lòng tốt của con người ở những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau và sự lan tỏa của nó đến những cuộc đời khác từ quá khứ đến hiện tại, cốt truyện thật ra không phức tạp và bài học cũng dung dị nhưng cách kể chuyện khéo léo kết hợp với miêu tả tâm lý nhân vật xuất sắc tạo nên một tác phẩm tròn trịa, đẹp đẽ.
Gợi ý khác: một gợi ý khác là series phim ‘Quán ăn đêm: Những câu chuyện ở Tokyo’ cũng là tuyển tập những câu chuyện nhỏ về những mảnh đời bình thường trong xã hội, không hào nhoáng, gay cấn nhưng gần gũi và chân thật.
Giờ thì đến những cuốn sách phi hư cấu, về thể loại này thì mình nghĩ ra nhiều hơn hẳn 😀
Đi tìm lẽ sống – Viktor Frankl
‘Đi tìm lẽ sống’ của tác giả, nhà tâm thần học Viktor Frankl là một cuốn sách khá kinh điển. Cuốn sách ghi lại những cảm nhận của tác giả về 3 năm ở các trại tập trung Auschwitz và Dachau. Tuy nhiên tác giả không đi sâu vào miêu tả những đau đớn, khắc nghiệt của cuộc sống trong trại tập trung mà tập trung vào những cảm xúc cũng như những bài học và triết lý sống đã giúp ông tồn tại trong hoàn cảnh khắc nghiệt khi mà hiện tại vượt quá sức chịu đựng và tương lai phía trước hoàn toàn mịt mùng. Điều khiến cho tác giả đã vượt qua được những ngày tháng đen tối ấy, thực sự không phải là sự lạc quan đơn thuần hay bấu víu vào những hi vọng không căn cứ mà điều khiến ông tồn tại ngoài việc may mắn không bị bắn hay cho vào lò ngạt hơi đó là bởi niềm tin vào ý nghĩa trong cuộc sống, một lý do để mình tiếp tục sống bất chấp những khắc nghiệt của hiện tại. Rất nhiều người đã từ bỏ cuộc đời ở trong tù không phải vì họ bị giết chết mà vì họ chọn từ bỏ cuộc sống, và mất hết niềm tin vào tương lai. Là một nhà tâm thần học trước khi bị bắt vào trại tập trung, những quan sát và ghi chép của tác giả chứa đựng những phân tích sâu sắc và những lý giải về mặt tâm lý học cho những suy nghĩ và tâm tư của những người tù trong trại phát xít, đồng thời nó cũng là những trải nghiệm hết sức chân thật của chính tác giả nên cuốn sách gây ấn tượng một cách mạnh mẽ. Nếu nửa đầu của cuốn sách tập trung vào những trải nghiệm của tác giả ở trại tập trung thì phần sau đi sâu hơn vào việc phân tích về liệu pháp ý nghĩa, cách mà chúng ta đối mặt với đau khổ trong cuộc đời và làm thế nào để tìm ra được bản thân thực sự đang sống vì điều gì. Tuy chỉ là một cuốn sách mỏng nhưng nó thực sự mang ý nghĩa nhân văn truyền nghị lực sống.
Niềm hi vọng và lẽ sống là một sợi chỉ mong manh nhưng nó lại dai dẳng và bền vững, nó là mỏ neo trong những phong ba và những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời. Tôi hi vọng nếu bạn đọc cuốn sách này, bạn sẽ tìm được ý nghĩa cho cuộc sống của mình hay ít nhất có thêm niềm tin trong những ngày tháng phong tỏa này để tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi đến một ngày được quay trở lại cuộc sống bình thường.
Sự Thật Về Thế Giới : Mười Lý Do Khiến Ta Hiểu Sai Về Thế Giới – Và Vì Sao Thế Gian Này Tốt Hơn Ta Tưởng – Hans Rosling, Ola Rosling, Anna Rosling Rönnlund
Cuốn sách này bản tiếng Anh có cái tên đơn giản là ‘Factfulness’ nhưng bản tiếng Việt thì vâng, cái tên đã nói lên tất cả 😀 Cuốn sách nói về số liệu của thế giới này thực sự hấp dẫn hơn rất nhiều so với tưởng tượng. Cuốn sách tập trung vào việc đưa ra các số liệu chính xác để phủ định những niềm tin sai lầm của chúng ta về thế giới, những sai lầm được hình thành từ truyền thông, giáo dục, những định kiến lâu đời khiến chúng ta đang hiểu sai về thế giới nên cái nhìn của chúng ta vì thế bị bóp méo và bị chi phối bởi những nỗi sợ không thực tế. Dĩ nhiên, ai cũng có thể sai lầm vào lúc nào đó về một điều gì đó và bởi vì thế giới tốt hơn so với những gì chúng ta nghĩ không có nghĩa là thế giới không còn những vấn đề và cũng không có nghĩa là chúng ta lảng tránh khi thấy một vấn đề nảy sinh. Tuy nhiên khi bạn biết về những gì đang thực sự xảy ra với thế giới dựa vào chính những số liệu thống kê cơ bản bạn sẽ biết khi nào thì một thông tin thật sự đáng sợ và bạn nên lo lắng và khi nào thì đó chỉ là một thông tin gây nhiễu và không đáng đề đầu tư thời gian, công sức cho nó, cũng như việc có lẽ bạn nên đặt câu hỏi về tính nghiêm trọng của một sự việc khi đọc một tin tức tiêu cực, bằng cách so sánh, đối chiều, đặt câu hỏi trước khi để nỗi sợ trào dâng và để nó chi phối mình.
Nỗi sợ hãi là một trong những tình cảm cơ bản của con người và thực sự trong rất nhiều trường hợp nỗi sợ hãi cứu sống chúng ta,nó khiến ta cảnh giác với những nguy cơ và suy xét hơn khi hành động. Mặc dù vậy, truyền thông và báo chí trong thời đại ngày nay đang kiếm sống bằng việc khai thác dựa vào sự chú ý và nỗi sợ hãi của con người và vì thế khiến chúng ta dù trực tiếp hay gián tiếp bị sợ hãi bởi những thứ có xác suất rất thấp trong khi lại mất tập trung vào những thứ có nguy cơ cao hơn rất nhiều và đáng để sợ hơn rất nhiều. Và vâng, dù vẫn còn rất nhiều vấn đề, thế giới này đang trở nên tốt đẹp hơn nhiều so với quá khứ và có lẽ sẽ tiếp tục tốt đẹp hơn trong tương lai nếu bạn chịu khó nhìn vào những số liệu từ quá khứ đến hiện tại thay vì để những niềm tin cố hữu điều hướng.
Thật khó khăn khi để tin vào việc cuộc sống đang tốt đẹp lên tại thời điểm này của thế giới, mặc dù vậy, nếu bạn đọc cuốn sách này, tôi tin rằng ít nhất bạn cũng học được cách để ..sợ hãi một cách đúng hơn để sợ hãi không phải là một điểm yếu mà là một thứ sức mạnh như những gì nó nên là.
Gợi ý khác: còn gì giới thiệu về cuốn sách này hay hơn là chính tác giả của nó nói về đề tài này trong một buổi TED talk : https://www.youtube.com/watch?v=Sm5xF-UYgdg
6 tỉ đường đến hạnh phúc – Stefan Klein
Đọc cái tên và xem bìa thì cứ tưởng đây là một cuốn self-help với những lời khuyên để sống hạnh phúc nhưng mà chà… mình đã nhầm to. Đây là một cuốn sách phân tích một cách chuyên sâu và khoa học về cái gọi là Hạnh Phúc.
Trước tiên mình muốn nói đến việc thế nào là một thứ mang tính khoa học ? Một thứ gọi là mang tính khoa học khi mà nó có thể chứng minh là đúng hay sai và điều này áp dụng cho cả ngành tâm lý học nữa. Lấy ví dụ, trong ngành tâm lý học, có lẽ bạn đã từng nghe đến cái tên Sigmund Freud – ông là cha đẻ của phân tâm học cổ điển và là người có ảnh hưởng rất lớn đến cả sự ra đời của ngành tâm lý học cũng như các tên tuổi lớn khác trong ngành tâm lý học ngày nay. Mặc dù vậy, các học thuyết của ông rất nhiều trong số đó..không mang tính khoa học, đơn giản vì nó có quá nhiều biến số, quá nhiều diễn giải có thể xảy ra và đơn giản là không thể chứng minh được.
Quay lại với cuốn sách, cuốn sách này viết về hạnh phúc dựa vào rất nhiều các nghiên cứu hàn lâm kết hợp giữa tâm lý học và sinh học trong đó chú trọng về não bộ và cách não bộ phản ứng khi một cảm xúc nào đó xảy ra. Mặc dù vậy, cuốn sách không hề khô khan mà cực kỳ hấp dẫn và giúp bạn giải đáp rất nhiều các câu hỏi thú vị về tâm lý học và hành vi. Chẳng hạn như não bộ chúng ta tạo ra hạnh phúc như thế nào? Tại sao ta có thiện cảm với người này nhưng lại sợ hãi người khác mà không có lý do chính đáng? Trực giác có phải là một thứ đáng tin cậy không? Liệu xả hết tức giận có hiệu quả không? Đam mê khoái lạc có ý nghĩa gì với con người, và có thể bị loại bỏ hoàn toàn không? Cơ chế của trầm cảm là gì? Vì sao người dân của nước này lại hạnh phúc hơn ở nước khác? Có phải vì họ giàu có hơn không? Toàn câu hỏi hay, nhờ !
Như các bạn có thể dự đoán, sẽ không có đáp án chung cho hạnh phúc của mỗi một người, mỗi chúng ta có một định nghĩa và một con đường để tiến đến nó. Đọc sách về tâm lý không chỉ giúp ta hiểu thêm về tâm lý mà qua đó nó giúp ta hiểu thêm về bản thân mình. Và khi bạn nhìn thấy mình rõ hơn một chút, bạn có lẽ cũng sẽ nhìn thấy hạnh phúc của mình rõ hơn một chút.
Nói cuốn sách này dễ đọc thì cũng không đúng lắm, nó sẽ dễ đọc nếu bạn từng đọc một cuốn sách nào đó về tâm lý hoặc não bộ, hoặc tốt nhất cả hai. Nó sẽ cung cấp cho bạn kiến thức nền để vượt qua mớ từ vựng của hệ thần kinh hay chất truyền dẫn, nếu không thì bạn sẽ mất thời gian hơn một tí nhưng yên tâm tác giả viết dễ hiểu và rất hấp dẫn (nói chung mình thấy những tác giả nào từng là nhà báo thì viết đều hấp dẫn cả 😛 )
3 phút thiền – Christophe Andre
Cuối cùng, nếu bạn không quan tâm gì đến mấy số liệu thống kê hay là những phân tích tâm lý nhưng vẫn muốn tâm trí nhẹ nhàng hơn và tránh những suy nghĩ tiêu cực không đáng có ? Thiền có lẽ là một lựa chọn không tồi. Mặc dù vậy, thiền không phải vấn đề đơn giản, việc cố ý để bản thân rơi vào trạng thái không suy nghĩ gì thật sự là không dễ dàng vì tâm trí bạn luôn có xu hướng suy nghĩ về một vấn đề gì đó cho dù bạn có muốn hay không. Để bắt đầu thì mình xin giới thiệu cuốn ‘ 3 phút thiền’ vì nó nhẹ nhàng và dễ áp dụng. Bản thân mình cũng không phải người có khả năng thiền tự nhiên và cũng không theo hệ tâm linh nhưng mình cũng muốn tìm hiểu về nó vì những lợi ích về thiền mà mình đọc được khiến mình tò mò và muốn áp dụng. Cuốn sách mang tính thực tiễn cao và bản thân tác giả vừa là một bác sỹ cũng là một người thực hành thiền định để vượt qua những chấn thương tâm lý từ sự mất mát nên cách viết rất khoa học nhưng cũng rất nhẹ nhàng và mang tính an ủi.
Cuốn sách chia làm 40 bài học nhỏ về một đề tài nào đó, như một người hướng dẫn chậm rãi bạn trong hành trình đến với thiền. Thay vì hoàn toàn để bản thân không suy nghĩ gì, bạn hãy hướng suy nghĩ của bản thân về 1 điều gì đó và chính qua sự điều hướng đó tâm trí của bạn sẽ tìm được sự giải phóng. Chẳng hạn như thay vì bạn nhắm mắt lại và không suy nghĩ gì thì bạn hãy nhắm mắt lại và tập trung lắng nghe tất cả những âm thanh dù là nhỏ bé xung quanh bạn hay cảm nhận tất cả những xung động mà mỗi một phần cơ thể đang truyền đến và ‘nói’ với bạn. Mình thấy rất hay, khi đọc cuốn này, mỗi ngày mình sẽ đọc một topic rồi sau đó bấm đồng hồ 3 phút để tập hít thở và làm theo topic ấy, mình thấy hiệu quả và biến thiền từ một cái gì khó nhằn thành một thứ hoàn toàn có thể làm được.
Hi vọng những cuốn sách trên có gì đó có ích cho bạn, bây giờ thì tạm biệt và hẹn gặp lại, in a better day (or not) 🙂
Note: Mình để link đến Tiki cho mỗi cuốn sách mình giới thiệu ở title nhé, nó là link affiliate, tức là mình sẽ kiếm được ít hoa hồng nếu bạn mua sách sau khi click vào link này. Đó giờ mình chưa kiếm dược đồng nào 🙂 nhưng mà mình thì vẫn đang suy nghĩ tích cực lắm , haha.