Loading…

# Review – Những tác giả Nhật Bản yêu thích

Mình rất thích văn học Nhật Bản, đến độ mà nếu bắt buộc phải chọn một thể loại sách duy nhất để đọc từ nay về sau thì mình sẽ chọn đọc văn học Nhật Bản. Lúc mình mới biết đến nó thì thật ra mình thấy cũng bình thường, nhưng mà càng đọc càng thấy lôi cuốn. Có lẽ một phần bởi vì từ hồi bé mình đã đọc rất nhiều truyện tranh Nhật nên là mình có sự yêu mến tự nhiên với đất nước này nhưng hơn cả như thế mình thích cách hành văn trong các tác phẩm của các tác giả Nhật. Ở đó có một cái gì đó vừa nhẹ nhàng, tĩnh lặng nhưng cũng rất sâu sắc và cả sự gai góc nữa. Có rất nhiều tác phẩm mà sự lôi cuốn không đến từ một nội dung cuốn hút mà lay động người đọc ở cách viết và sự tinh tế trong miêu tả, mặc dù vậy cũng có không ít những tác phẩm nội dung thật sự độc đáo và sáng tạo. Có rất nhiều tác phẩm của Nhật (văn học lẫn phim) đã được Mỹ mua và làm lại, và tuy người Mỹ rất giỏi việc biến nó thành những thứ đại chúng, làm ra tiền và thu hút nhiều người hơn nhưng mà cái chất độc đáo , kỳ dị lại bị mất đi rất nhiều và khiến các fan của tác phẩm gốc phải ngao ngán.

Nói riêng về văn học, Nhật Bản có rất nhiều các nhà văn lớn, đạt giải Nobel và tạo nên các tác phẩm bất hủ, và có kha khá các nhà văn còn xuất hiện cả trên đồng tiền Yên của Nhật nữa. Tuy vậy, thì đây lại không phải các tác giả yêu thích nhất của mình. Rất tiếc mình không được hàn lâm đến vậy !! Mình chưa đến level hiểu hết được các tác phẩm ấy, mình yêu mến các nhà văn đương đại của Nhật hơn, và bài viết này mình xin giới thiệu 4 tác giả yêu thích nhất của mình, những người có bút lực mạnh mẽ và  nhiều tác phẩm. Dĩ nhiên là mình thích họ không phải vì họ viết nhiều, mà vì họ viết hay nên hầu hết các tác phẩm của họ mình đều tìm đọc.

Haruki Murakami

  Đến thời điểm hiện tại thì Haruki Murakami là tác giả Nhật Bản yêu thích nhất của mình. Mình lần đầu biết đến bác này với tác phẩm đình đám một thời ‘Rừng Na Uy’. Ấn tượng từ những comment dạo đọc được thì tác phẩm này rất nhiều cảnh nóng, lần chần mãi rồi cũng có cơ hội đọc cuốn này. Sau khi đọc thì mình thấy…bình thường, chả có gì hay mà cảnh nóng thì cũng đâu có ghê ghớm gì lắm, có một điều mình thấy khác với ấn tượng ban đầu, tác phẩm này không lấy cảnh nóng ra để câu view, Haruki Murakami là một người kể chuyện tỉ mỉ và bởi vì vậy chả có lý do gì mà tự dưng đến cảnh nóng ông ấy lại tả hời hợt  cả. Tuy vậy, lúc ấy mình vẫn chưa cảm được cách viết của tác giả và mình quên béng đi cái tên này. Cho đến một ngày buồn chán và mình tình cờ có được 2 cuốn ebook ‘Biên niên ký chim vặn dây cót’ và ‘Kafka bên bờ biển’ nên mình lại đọc xem sao. Đọc xong 2 cuốn ấy thì thành fan của ông luôn 😀 Vâng, một pha quay xe khá gắt. Nhưng thật sự mà nói thì ai đã cảm được phong cách viết của Harumi Murakami thì sẽ rất thích tác phẩm của ông. Các tác phẩm của Haruki (hầu hết) đều có sự kết hợp của thực và ảo, giữa tỉnh và mơ, hiện đại và mơ mộng, và là một thế giới khá là vô thực. Lối kể chuyện chậm rãi, miêu tả nhân vật kỹ lưỡng và luôn phảng phất sự buồn bã nhưng lại có một sức quyến rũ kỳ lạ. Các nhân vật trong tác phẩm của ông không phải các nhân vật điển hình, có những nhân vật rất lạ lùng, đôi khi tự dưng xuất hiện, kể một câu chuyện nào đó rồi lại biến mất. Đọc đến tận cùng, dù nút thắt chính đã được dỡ bỏ nhưng vẫn còn vô số nhưng câu hỏi để ngỏ, những bí mật vẫn còn giữ kín. Nhân vật chính trong các tác phẩm của ông thường là nam nhưng không thuộc tuýp anh hùng, cũng không phải loại bê tha, trụy lạc cũng không sống chết chỉ vì tình yêu nhưng chắc chắn tình yêu luôn xuất hiện trong các tác phẩm của ông. Tác phẩm của ông cũng xuất hiện dày đặc các hình ảnh mang tính hình tượng, mà có khi bạn nghĩ mãi không biết hình tượng ấy nó nói về cái gì, rốt cuộc là nó tốt hay xấu hay thậm chí nó có bất cứ một ý nghĩa gì hay không ?! Nói chung, nếu bạn cảm được các tác phẩm của Haruki, bạn sẽ rất thích, còn không, thì đọc xong có thể bạn sẽ muốn ném cuốn sách vào tường 😀 Thật ra, cách viết của tác giả dù tỉ mỉ nhưng lại rất dễ đọc, rất dễ đọc nhưng lại không dễ phân tích, bóc tách cho nên tùy theo cách cảm nhận mà bạn có thể thấy tuyệt vời hoặc là …bullshit.

Haruki Murakami thật ra là một nhà văn nhận được nhiều ý kiến trái chiều, tác giả nhận được sự yêu mến rất lớn từ độc giả nhưng lại bị bên hàn lâm hờ hững, mà kể cả những độc giả bình thường thì cũng có người thích và có nhiều người không mê nổi nhưng những người thích vẫn nhiều hơn rất nhiều nên có rất nhiều tác phẩm của Haruki Murakami được xuất bản ở Việt Nam, tha hồ mà đọc, thích!

Tác phẩm tiêu biểu:  ‘Biên niên ký chim vặn dây cót’ và ‘Kafka bên bờ biển’ , hai quyển này kẻ tám lạng người nửa cân không biết chọn cuốn nào nên mình giới thiệu cả hai 😀 Hai cuốn này khá tiêu biểu cho phong cách của tác giả với cốt truyện độc đáo, kỳ quái và cách viết rất lôi cuốn. Nếu không thích thể loại hiện thực đan xen kì ảo và một cái kết gây bứt rứt thì bạn có thể đọc cuốn ‘Tôi nói gì khi nói về chạy bộ’ , một cuốn sách mỏng gần như là tự truyện của tác giả với những suy nghĩ về bản thân, việc chạy bộ và việc viết văn, rất hay. Còn nếu thấy ngấm và muốn đọc tiếp thì còn vô số những cuốn sách khác của tác giả đang chờ đón bạn, recommend tiếp : 1Q84, Giết chỉ huy đội kỵ sĩ,..

Higashino Keigo

Higashino Keigo cũng lại là một tác giả khác mà tác phẩm đầu tiên mình đọc mình không thấy ấn tượng gì cho lắm. Cái tên ở đây chính là ‘Phía sau nghi can X’, một tác phẩm trinh thám khá nổi của tác giả. Còn tác phẩm khiến mình quay xe ở đây là ‘Bạch dạ hành’, mình mua cuốn này theo lời giới thiệu của một người bạn và khi đọc xong thì nó thành tác phẩm văn học Nhật Bản yêu thích nhất của mình luôn, đến khi nhìn lại tên tác giả của cuốn sách mình còn không tin đây cũng chính là người viết ‘Phía sau nghi can X’ cơ 😀 Vì hai cuốn có hai cách viết khá là khác biệt. Nhưng trước hết chúng ta hãy quay lại với tác giả trước đã.

Higashino Keigo là một trong những nhà văn cực kỳ ăn khách của Nhật Bản, và cả các nước châu Á khác trong đó có Việt Nam. Higashino Keigo có một sức viết mạnh mẽ với một gia tài sách lên đến hơn 80 cuốn (và vẫn chưa dừng lại) , rất nhiều trong số đó đã được chuyển thể thành phim. Tác giả nổi tiếng nhất với cả các tác phẩm trinh thám và cũng dành được vô số giải thưởng lớn ở đề tài này, tuy nhiên ông cũng viết cả các đề tài khác nữa như : tâm lý, tình cảm,.. nhưng nhìn chung các tác phẩm của ông đều ít nhiều có tính chất kỳ bí và rất cuốn hút. Tuy phần nhiều là truyện trinh thám nhưng các tác phẩm của ông có đề tài, bối cảnh, nhân vật rất phong phú, đề cập đến nhiều vấn đề xã hội gai góc, đọc xong truyện trinh thám không chỉ biết mỗi kẻ sát nhân là ai mà còn biết thêm kha khá kiến thức ở những lĩnh vực khác nhau nữa 😀 Nhưng chính vì style khác biệt trong mỗi cuốn sách mà có cuốn thì mình rất thích và có cuốn thì thấy bình thường, nhưng nhìn chung thì vẫn thích nhiều hơn. Vậy nên cứ lâu lâu thấy có quyển nào mới của tác giả là mình lại tha về, đọc riết thành nghiện 😀 Nhận xét về phong cách viết thì nhìn chung các tác phẩm của ông đều dễ đọc, có tính logic cao với những cao trào thường đặt ở cuối, khi các tình tiết và nhân vật được xâu chuỗi và đi đến sáng tỏ.

Tác phẩm tiêu biểu:  như mình đã đề cập trước đó “Bạch dạ hành” là tác phẩm cực kỳ yêu thích của mình. Đây là một cuốn sách khá dày, viết về hành trình 20 năm của hai nhân vật chính Ryo và Yukiko. Tác phẩm mở ra với một vụ án mạng và cả 2 nhân vật (lúc này mới 11 tuổi) đều có chút ít liên quan. Án mạng sớm tìm ra nghi can và coi như khép lại với mọi người. Nhưng với hai nhân vật chính thì đó mới là điểm khởi đầu cho hành trình đi hoài trong đêm trắng của họ. Tác phẩm này là một sự kết hợp tài tình của trinh thám và tâm lý. Là một tác phẩm trinh thám, nhưng cái hay của nó không phải ở bản thân vụ án mạng ở đầu hay cuối của câu chuyện, mà nó là một loạt các câu chuyện nhỏ , những cái ác ngấm ngầm làm thay đổi cuộc sống của những nhân vật xung quanh 2 nhân vật chính nhưng những người bị hại lại không hề hay biết hay tìm được ra nguyên nhân thật sự của những gì mình gặp phải mà chỉ có thể lặng lẽ đổ cho số phận. Là một tác phẩm tâm lý , nhưng trong suốt câu chuyện, tác giả không một lần miêu tả suy nghĩ, tâm trạng của 2 nhân vật chính, mà đóng vai một người thứ 3, ông cung cấp cho người đọc những tình tiết khéo léo để họ tự đoán định và đưa ra những kết luận cho chính mình. Bao trùm lên câu chuyện chớp tắt, chớp sáng này là một không khí kì bí và buồn bã nhưng cũng không thiếu sự hồi hộp, mong chờ. Nói chung là rất lôi cuốn và khơi gợi rất nhiều suy nghĩ. Tuyệt vời!

Nếu bạn không thích kiểu trinh thám lạnh gáy thì có thể tìm đọc ‘Điều kỳ diệu ở tiệm tạp hóa Namiya’. Nhẹ nhàng, nhân văn nhưng cũng rất sáng tạo, tuy kỳ lạ nhưng cũng lại rất hợp lý và đảm bảo một kết thúc có hậu. Đọc xong cuốn này chắc bạn cũng không thể nghĩ đây lại là cùng một tác giả với ‘Bạch dạ hành’ ,nhưng mà nó lại cứ như thế đấy 🙂

 

Banana Yoshimoto

Với tác giả này thì mình yêu thích ngay từ khi đọc cuốn sách đầu tiên. Banana Yoshimoto có một phong cách viết riêng và khá nhất quán và mang đậm phong cách Nhật Bản: nhẹ nhàng nhưng tinh tế. Các tác phẩm của bà nhìn chung không có cốt truyện gay cấn hay cao trào, đề tài cũng gần gũi, thân thuộc và mang rất nhiều nét hoài niệm. Nếu so với Haruki Murakami thì tác phẩm của bà dễ đọc, dễ hiểu, dễ thấm hơn rất nhiều. Dễ đọc nhưng không hề dễ dãi mà có một phong cách rất riêng. Có một sự mềm mại, nữ tính trong các câu chữ của Banana Yoshimoto nhưng nó lại không hề ủy mị, yếu đuối. Bà viết chủ yếu về những con người bình thường mang những nỗi buồn, những hoài niệm, những mất mát nhưng lại không hề tiêu cực, u ám mà đọc xong nó khiến ta thấy sự đồng cảm và khi gấp cuốn sách lại ta còn cảm nhận được cả sự an ủi nữa. Có lẽ vì vậy, mà có nhiều tác phẩm của bà mình không còn không nhớ rõ cốt truyện nữa nhưng lại nhớ rõ cảm xúc  về nó.

Tác phẩm tiêu biểu: “Kitchen” (căn bếp) là một tác phẩm tuyệt vời của Banana Yoshimoto. Cuốn sách mỏng này có đủ cả : tình yêu, tình gia đình, nỗi đau, sự mất mát, sự cô đơn, sự san sẻ, đồng cảm.. Buồn nhưng không sầu thảm, tuy lạnh lẽo nhưng lại có chút ấm áp và dù nói nhiều về cái chết nhưng lại không hề tuyệt vọng. ‘Kitchen’ nói riêng và phong cách của Banana Yoshimoto nói chung phù hợp với những ai thích sự nhẹ nhàng nhưng không nhạt nhẽo, thiên về cảm nhận cảm xúc hơn là cốt truyện li kỳ.

 

Ichikawa Takuji

Ichikawa Takuji – người viết tình ca hay là ngôn tình phong cách Nhật ! Khi nhắc đến chữ ‘ngôn tình’ thì khá nhiều người sẽ chê bai thể loại này , coi nó là không có giá trị nhưng hãy nghĩ mà xem, phần lớn những cuốn tiểu thuyết đều viết về tình yêu, chẳng qua nếu nó có nhiều giá trị hơn thế, nó thành tác phẩm văn học hay tác phẩm kinh điển, còn nếu nó được viết dễ dãi, ít giá trị hơn thì người ta gọi nó là ‘ngôn tình’ và chê bai nó, nhưng ngày nào mà các cuốn sách còn được các độc giả của nó tin yêu thì cuốn sách nào cũng có giá trị cả.

Quay lại với Ichikawa Takuji, đây là một tiểu thuyết gia nổi tiếng với thế mạnh là dòng tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, nhưng truyện tình yêu trong các tác phẩm của Ichikawa Takuji là kiểu nhẹ nhàng và sâu sắc chứ không nhiều drama và các tình tiết cẩu huyết như truyện ngôn tình Trung Quốc. Nét đặc trưng là yếu tố kỳ ảo trong những câu chuyện của ông khiến người đọc hấp dẫn, tuy vậy , mạch truyện nhìn chung không gay cấn mà hết sức nhẹ nhàng nhưng không kém phần tinh tế. Những nhân vật trong truyện của Ichikawa Takuji cũng là những con người bình thường (với đôi chút bất thường ) chứ không phải tổng tài, trai xinh, gái đẹp, thân hình hoàn mĩ  vậy nhưng người đọc có thể cảm thấy đây là một tác phẩm tình yêu rất đẹp. Vẻ đẹp của tác phẩm đến từ câu chuyện, từ cách hành văn của tác giả và cách các nhân vật yêu nhau, suy nghĩ về nhau và cho nhau,…Nếu có gì đấy mình không thích thì đó là ở chỗ không phải tác phẩm nào cũng kết thúc có hậu (hay thậm chí nói là ngược lại thì đúng hơn) mà mình thì lại thích truyện tình kết thúc có hậu cơ 🙁 (dẫu biết là nó sẽ như thế nhưng mà cứ mong chờ)

 

Tác phẩm tiêu biểu: “Em sẽ đến cùng cơn mưa” – đẹp từ cái bìa đến nội dung luôn. Mua sách còn được tặng cái postcard nữa chứ, thích thật sự luôn. Trong số các tác phẩm của Ichikawa Takuji mà mình đọc thì truyện này là truyện yêu thích nhất của mình, cuốn sách này đã được chuyển thể thành phim (bản Nhật và bản của Hàn nữa), xem phim cũng rất hay (mình mới xem bản của Nhật thôi chưa xem bản Hàn , bản của Nhật có cùng tên còn bản của Hàn tên là ‘Be with you’) Nội dung tròn trịa, câu chuyện tình yêu đẹp và dù bạn biết kết thúc buồn ngay từ đầu nhưng nó không hề bi lụy mà thật ra lại truyền tải một thông điệp rất tích cực.

So sơ thì có 4 tác giả yêu thích như vậy, còn nếu nói đến những tác phẩm yêu thích thì chắc phải còn N tác phẩm khác, mình sẽ từ từ giới thiệu sau, vào một ngày đẹp trời (hoặc không) khi mình tìm thấy một chủ đề thích hợp. Còn bây giờ, tạm biệt và hẹn gặp lại.

Share this

Leave a Reply