Loading…

#Review Book – Những cuốn sách thiếu nhi hay – phần 2

Phần tiếp theo là những cuốn sách thiếu nhi có nhân vật chính là nam. Đặc điểm chung mình có thể thấy là những cuốn sách này có rất nhiều tính phiêu lưu 😀 vì vậy đọc rất hấp dẫn. Nhưng dù nhân vật chính có là ai thì mình nghĩ những cuốn sách đều đáng được đọc và đều được yêu thích bởi tất cả mọi người.

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer [Mỹ] – Mark Twain

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer là tác phẩm văn học thiếu nhi Mỹ kinh điển, kể câu chuyện về Tom Sawyer, một cậu bé nghịch ngợm, lém lỉnh, chuyên bày trò nghịch phá và cũng rất thông minh, dũng cảm và giàu lòng nhân hậu. Bối cảnh của câu chuyện là làng quê nghèo bên bờ sông Mississippi vào giữa thế kỷ 19, nơi Tom Sawyer và cậu bạn Huckleberry Finn bày ra đủ các trò nghịch ngợm khắp làng trên xóm dưới và dính vào kha khá các vụ rắc rối, bao gồm cả một vụ bỏ trốn và một vụ giết người. Với bút pháp hài hước, gần gũi cộng với sự miêu tả xuất sắc tâm lý , hành động nhân vật, câu chuyện về Tom Sawyer hiện lên vừa tươi vui, vừa kịch tính nhưng cũng không thiếu sự châm biếm sâu cay.

Gợi ý khác: nếu yêu thích Tom Sawyer thì chắc là cuốn sách về người bạn thân của Tom “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” cũng sẽ không làm bạn thất vọng

Trên sa mạc và trong rừng thẳm[Ba Lan] – Henryk Sienkiewicz

“Trên sa mạc và trong rừng thẳm” là cậu chuyện về hai cô cậu bé Stanislas Tarkowski mười bốn tuổi và Nelly Rawlinson tám tuổi trên hành trình tìm đường về với quê hương và gia đình sau khi bị bắt cóc bởi một phiến quân ở Ai Cập. Hành trình này đã dẫn Stas và Nel băng qua cả sa mạc và rừng thẳm của vùng Đông Phi, vượt qua bao khó khăn, thử thách và những tình huống ngàn cân treo sợi tóc và cả những khung cảnh choáng ngợp như những thước phim Discovery chất lượng cao, hẳn sẽ cuốn hút người đọc đến tận trang sách cuối cùng. Không chỉ có vậy, qua cuộc phiêu lưu này, hình ảnh cậu bé Stas hiện lên đầy gan dạ, quả cảm, bộ óc sắc sảo và cả tình cảm chứa chan, tuyệt vời như một soái ca vậy :D. Cũng có những lúc Stas muốn gục ngã và bỏ cuộc nhưng vì có Nel, dịu dàng và nhân hậu bên cạnh, cậu lại tìm được sức mạnh và tinh thần để vượt qua thử thách và giữ cho trái tim mình can đảm, trong sạch.

Không chỉ hấp dẫn những bạn đọc nhỏ tuổi với câu chuyện ly kì, hấp dẫn, cuốn sách này còn thu hút cả những đọc giả lớn tuổi, với tầm nhìn rộng mở và nhiều kinh nghiệm sống hơn, để cảm nhận sự giằng xé trong nội tâm nhân vật cũng như những ranh giới mong manh của thiện và ác, hay câu hỏi về đạo đức, tự do, mạng sống,…

Gợi ý khác: Cùng chủ đề phiêu lưu đến vùng đất xa lạ , kỳ thú thì không thể không kể đến : Đảo giấu vàng hoặc Peter Pan , đều là những câu chuyện phiêu lưu thuộc hàng kinh điển, hết sức hấp dẫn.

Câu chuyện nghĩa địa [Anh] – Neil Gaiman

Câu chuyện nghĩa địa, như đúng cái tên gợi ý, mang một màu sắc ma mị và có nét buồn phảng phất xuyên suốt. “Câu chuyện nghĩa địa” có nhân vật chính là Bod Owens, Bod là một cậu bé bình thường, điều duy nhất bất thường là cậu sống ở một nghĩa địa cổ, được nuôi dạy bởi những hồn ma và có người bảo hộ là một người không thuộc thế giới người sống cũng không thuộc thế giới người chết. Tuy được bảo vệ và yêu thương, cậu nhóc vẫn phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập và cả những rắc rối của những linh hồn và cả những rắc rối của việc lớn lên và đối mặt với thế giới của những người sống, thế giới mà cậu vừa gần gũi, vừa xa lạ. Bod phải làm gì hay lựa chọn thế nào khi thế giới tuổi thơ dần rời xa và những phép thuật nhường chỗ cho thế giới của hiện thực ?!

Neil Gaimna là nhà văn đương đại khá đa tài của Anh, mình đọc khá nhiều cuốn của bác trong đó cuốn này là cuốn yêu thích nhất. Nhẹ nhàng, hài hước nhưng vẫn kì bí và lôi cuốn và hơi man mác buồn. Một không khí rất khác so với các chuyện thiếu nhi thông thường

Gợi ý khác: Coraline là lựa chọn không tồi nếu bạn thích đọc thêm tác phẩm của tác giả này, bộ phim hoạt hình chuyển thể cùng tên cũng rất chi là hay nhé, cực nên xem vào Halloween.

Chuyện dài bất tận[Đức] – Michael Ende

Hihi, lại một tác phẩm khác của bác Ende. Mình biết đến “chuyện dài bất tận” qua phim trước khi đọc truyện và nó hay đến độ mình đã nhớ nó mãi mặc dù đã xem rất lâu rồi. Mãi đến sau này lớn lên mình mới tình cờ nhìn thấy cuốn sách này mình mới phát hiện ra là oa, đây chính là cuốn sách gốc của một trong những bộ phim yêu thích nhất của mình hồi bé (hồi bé xem mà ko biết tên phim) 😀 Giông dài một vài phút như vậy thôi nhưng đây thực sự là một cuốn sách hết sức hấp dẫn mà trong đó phiêu lưu lồng phiêu lưu, tưởng tượng lồng tưởng tượng.Truyện kể về cậu bé Bastian béo ục ịch, luôn tự ti về bản thân mình và sống trong một gia đình không còn hạnh phúc khi mà mẹ cậu bé đã mất và bố cậu không thể thoát ra khỏi nỗi tuyệt vọng đó. Một ngày, Bastian ăn cắp cuốn sách “Chuyện dài bất tận” ở một nhà sách lạ lùng và trốn vào nhà kho trong trường để đọc. Kỳ lạ thay, cậu bị hút vào chính quyển sách ấy và tự tạo cho chính mình một câu chuyện khác. Trong thế giới tưởng tượng mà cậu bị kéo vào, cậu không còn là cậu bé yếu đuối , tự ti mà thành một cậu nhóc đẹp trai với khả năng phi thường. Nhưng liệu thế giới ấy có phải chỉ toàn những điều tốt đẹp và liệu rằng cứ chạy theo những điều ta mơ mộng đã là đủ ? Lồng ghép trong một câu chuyện hấp dẫn, được kể khéo léo là những bài học rất sâu sắc về ước mơ, tình gia đình, và cả lằn ranh giữa trí tưởng tượng và cuộc sống thực, đây là một câu chuyện hấp dẫn với bất cứ ai , từ trẻ nhỏ đến người lớn.

Bản dịch tiếng Việt, theo mình đánh giá, là khá hay, truyền tải được thần thái của câu chuyện, nếu bạn để ý bạn sẽ thấy cuốn sách có 26 chương với bắt đầu mỗi chương là một chữ cái theo thứ tự , bắt đầu bằng A và kết thúc bằng Z 🙂

Gợi ý khác: “Charlies và nhà máy socola” cũng là một cuốn sách rất hay với motif nhân vật bé trai bình thường được đến một nhà máy kỳ diệu. Cuốn sách đầy tình tiết hấp dẫn và những thông điệp mang tính giáo dục nhé.

Nhóc Nicolas[Pháp] – Goscinny Sempé – Jean-Jacques Sempé (minh họa)

“Nhóc Nicolas” thì quá nổi rồi. Hài hước và đáng yêu vô cùng nhưng cũng không kém những pha châm biếm sâu cay được cài cắm. Nhóc Nicolas, như đúng cái nhan đề của cuốn sách, là lời kể của cậu nhóc nghịch ngợm Nicolas và tất cả những gì xoay quanh cuộc sống ngày thường của cậu: bố mẹ, bàn bè, trường học, ông hàng xóm, những kỳ nghỉ, những tâm sự “muộn phiền” rất chi là ngây thơ của cậu nhóc. Mặc dù chỉ là những câu chuyện đời thường nhỏ nhặt, tuy giản dị nhưng đọc thì lại cực kỳ lôi cuốn, và đâu đấy nó nhắc nhở ta về một thế giới trong sáng, giản đơn và hồn nhiên mà bọn trẻ đang sống.

Gợi ý khác: bộ sách về “nhóc Nicolas” có rất nhiều tập , bạn tha hồ mà đọc 😀

 

Trạm thu phí quái lạ [Mỹ] -Norton Juster

“Trạm thu phí quái dị” là câu chuyện kể về cậu bé Milo. Milo luôn vội vàng và chẳng bao giờ tập trung vào cái gì cả, ở trường thì cậu vội vã muốn về nhà, về nhà rồi cậu lại muốn đến trường, nhưng chẳng nơi nào khiến cậu yêu thích và để tâm cả, và bởi vì vậy Milo luôn muộn phiền. Một ngày kia, Milo nhận được một món quà không rõ người gửi. Đó là một mô hình trạm thu phí có thể lắp ráp dễ dàng cộng với bản đồ, tiền xu, biển báo, một cuốn luật lệ và luật giao thông. Cảm thấy tò mò, Milo lái chiếc xe đồ chơi của cậu vào trạm thu phí mới lắp ráp và bắt đầu hành trình kỳ quái nhưng cũng vô cùng thú vị của mình.

Motif phiêu lưu của cuốn sách này khá kinh điển với bắt đầu là một cậu bé bình thường lạc vào một thế giới kỳ lạ. Điều khiến cuốn sách này đặc biệt ở chỗ mỗi vùng đất mà Milo ghé qua đều được tạo nên từ những kiến thức rất quen thuộc với mỗi người , chẳng hạn như: thành phố từ điển, thành phố số học, vần điệu, lý trí, … Dưới ngòi bút của Norton Juster, những khái niệm khô khan từ trang sách hiện lên đầy màu sắc và sống động, có tầm hồn và sức sống, làm khơi dậy niềm yêu mến học tập của trẻ nhỏ. Ở độ tuổi của mình, các em nhỏ có lẽ đều chán nản với những buổi học khô khan, với bảng chữ cái, các phép toán, các bài tập,.. và các em có lẽ chẳng hiểu học để làm gì. Nhưng nếu tất cả trở nên sống động, nơi chúng phải vận dụng mọi điều mình biết để vượt qua hành trình khám phá, để đánh bại con rồng, để cứu vương quốc và những nàng công chúa ?

Không chỉ dừng lại ở điều ấy, cuốn sách này cũng tràn ngập những lối chơi chữ lắt léo,thông minh, không ít thì nhiều khiến người đọc phải suy ngẫm (và sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể đọc cuốn sách này ở phiên bản tiếng Anh (tên gốc là : The Phantom Tollbooth) để hiểu tường tận hơn về cách chơi chữ của tác giả). Bên cạnh đó, cuốn sách cũng chứa đựng vô số những bài học giá trị qua những vùng đất, những đoạn hội thoại tưởng giản đơn mà chứa đựng những suy nghĩ sâu xa. Chẳng hạn như “Chỉ có cậu mới tự giúp cậu thoát khỏi VÙNG ĐỜ ĐẪN. Cậu ở đây là vì cậu không suy nghĩ gì cả. Vậy thì chỉ suy nghĩ mới giúp cậu thoát khỏi đây thôi, hãy suy nghĩ đi nào, suy nghĩ bất cứ thứ gì..” Trong câu chuyện Vùng đỡ đần là một vùng có thật và Milo bị mắc kẹt trong đấy nhưng còn ở ngoài đời, có mấy ai dám chắc mình không đôi lần mắc kẹt vào trong đấy không ?!

Không gia đình[Pháp] – Hector Malot

Không giống những cuốn sách trên, “Không gia đình” mang hơi thở hiện thực. “Không gia đình” là hành trình lang bạt của cậu bé Remi, Remi không cha mẹ và được nhận nuôi bởi gia đình Barberin, tuy nhiên vì hoàn cảnh gia đình, họ đã bán cậu bé cho Vitalis, ông chủ một đoàn xiếc rong. Vậy là cậu bé Remi 8 tuổi, lên đường rong ruổi khắp nước Pháp với gánh xiếc tí hon của thầy Vitalis – người đã dạy cậu bé thành một người bản lĩnh, tự tin đối mặt với mọi khó khăn trên đời. Cuộc hành trình của Remi không trải hoa hồng và có những điều kỳ thú nhưng nó hấp dẫn người đọc bởi những tình cảnh éo le, với đủ loại người tốt xấu mà cậu bé gặp trên đường , của những niềm vui nối tiếp nỗi buồn, của cả những oan ức và mất mát và những bài học khiến ta trưởng thành. Vượt lên tất cả khó khăn Remi vẫn giữ cho mình trái tim nhận hậu, sự tự lập, ý chí vươn lên trong cuộc sống. Kết thúc câu chuyện là một cái kết có hậu khi mà Remi tìm lại được gia đình đích thực của mình sau tất cả những mất mát và khổ ải cậu phải trải qua.

Gợi ý khác: “Oliver Twist” cũng là một tác phẩm đậm chất hiện thực khác và cũng được xếp vào hàng kinh điển.

Hẹn gặp lại bạn vào phần 3 !

Share this

Leave a Reply