Loading…
khi-nao-sach-self-help-that-su-help

Khi nào thì sách self-help thật sự help ?

Mình đang định viết một bài về những cuốn sách self-help hay, nhưng điều này đặt ra cho mình một câu hỏi là thế nào là một cuốn sách self-help hay ? Và khi nào thì sách self-help thực sự help ? Đó thực sự là một câu hỏi không dễ trả lời và làm cho mình đặt thêm câu hỏi là liệu cái bài giới thiệu của mình rốt cuộc có giá trị gì không hay cũng chỉ là một bài giới thiệu lăng nhăng? Điều đó khiến mình viết bài viết này.

Hãy đi từ vấn đề đầu tiên, thế nào là sách self-help ? Sách self-help có thể hiểu là những cuốn sách giúp bạn giải quyết và xử lý các vấn đề cá nhân, có thể bằng cách cung cấp cho bạn những tư tưởng, cách nhìn mới, có thể bằng cách cho bạn những động lực để thay đổi (hoặc không thay đổi) hoặc cho bạn những phương pháp để thực hiện. Dĩ nhiên là mọi cuốn sách đều có thể giúp bạn làm được điều này tùy mức độ tác động của mỗi cuốn sách đến bạn nhưng dòng self-help thì trực tiếp nhắm đến đối tượng là bản thân người đọc chứ không thông qua những câu chuyện và tình tiết như sách văn học hay cung cấp kiến thức xã hội, tự nhiên như các dòng sách phi hư cấu khác.

 

Vấn đề với sách help-self

Sách self-help được rất nhiều người ưu thích nhưng ngược lại bị rất nhiều người dè bỉu. Người không thích thì bảo không muốn ai dạy dỗ việc mình phải làm gì, mỗi người một cách sống, cách của tác giả chắc gì đã là cách hay. Người yêu thích thì lại thấy sách self-help giúp hoàn thiện bản thân, khiến mình trở thành một người tự tin hơn, giúp các kỹ năng của bản thân tốt hơn. Mỗi người có lí lẽ riêng của bản thân mình và ai cũng có cái đúng. Cũng có rất nhiều bài so sánh về mặt tốt , xấu, nên hay không nên đọc thể loại sách này rồi. Trong bài viết này mình muốn tập trung vào 1 khía cạnh cụ thể hơn: đó là tại sao một số người không học được gì từ sách self-help trong khi một số người khác lại thấy nó thật tuyệt vời ?

Thứ nhất là việc chọn sai sách. Chúng ta ai cũng tin hoặc muốn tin rằng mình hiểu rõ bản thân mình cũng như có những tiềm năng mà chưa khai thác hết. Nhưng thật buồn, phần lớn mọi người không hiểu hết về bản thân và có những tiềm năng sẽ không bao giờ khai thác được. Nhiều cuốn sách khai thác tâm lý muốn lừa phỉnh và tôn vinh bản thân của con người  nên dùng những lời lẽ bóng bẩy, những tuyên ngôn hoành tráng nhưng nó lại sáo rỗng và không thực tế. Nếu nó chỉ đơn giản đọc chán và bạn vứt nó một xó thì thôi bạn chỉ mất tiền và công đọc sách. Nhưng với nhiều người (trong đó có mình) đọc xong những cuốn sách này cảm thấy hừng hực khí thế và thấy sách thật tuyệt vời, điều này còn thậm chí khích lệ người đọc bắt tay vào làm một số việc, tuy vậy, một thời gian sau, khi cảm hứng được truyền từ cuốn sách đã nguội đi và những khó khăn ập đến, nếu những điều bạn đang làm không đến từ động lực tự thân, bạn sẽ rất dễ bỏ cuộc, sau đó, bạn thậm chí còn chẳng nhớ gì về những cuốn sách self-help mà bạn từng đọc nữa. Hay tệ hơn nữa, nếu bạn máy móc tin vào tất cả những gì sách viết quan điểm của bạn dễ bị đóng khuôn về một hay nhiều khía cạnh của cuộc sống, chẳng hạn như khăng khăng rằng phải sống như thế này hay như thế khác mới là tốt, rồi thậm chí rơi vào sự thất vọng khi bản thân không thể đạt được điều đó.

Từ kinh nghiệm bản thân, mình thấy điều này xảy ra khi bản bản thân không hiểu rõ chính mình. Đầu tiên, là không rõ bản thân thật sự cần gì, điều này cũng khá dễ hiểu khi bạn còn trẻ, và bạn có rất nhiều băn khoăn về cuộc sống, hoặc bạn ít trải nghiệm nên không chỉ đọc sách mà làm bất cứ điều gì mới cũng có thể là sai lầm và trở thành bài học, chỉ cần tự xem xét, đối chiếu và cân chỉnh lại thì với thời gian bạn sẽ hiểu hơn và biết những gì mình cần và có một sự lựa chọn tốt hơn. Điều quan trọng, theo mình, là giữ cho mình một suy nghĩ là những gì mình đọc có thể là sai và không hợp với bản thân mình, hãy để những suy nghĩ ấy ra đi.

Điều thứ hai đến từ sự không hiểu rõ bản thân đó là khả năng ước lượng sự hoàn thành một việc gì đó. Cái này cũng giống như việc bạn viết những Resolution hoành tráng mỗi năm để rồi cuối năm lại thấy rằng những dự định đó đều xếp xó và để dành cho năm tiếp theo. Vấn đề là chúng ta ở hiện tại lên kế hoạch cho chúng ta ở tương lai và ta nghĩ rằng ta ở tương lai cũng giống ta bây giờ, nhưng hỡi ôi, điều đó mới khó khăn làm sao. Chẳng hạn khi đặt mục tiêu ngày tập thể dục 2h , chúng ta nghĩ điều này hoàn toàn khả thi, hãy nghĩ đến những lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại, thật sự đáng giá 2h một ngày của ta. Nhưng chúng ta của tương lại có bao nhiêu việc phát sinh: thời tiết đột nhiên thất thường khiến bạn không ra khỏi nhà để tập được, covid ập đến và bạn không thể đến phòng tập, đột nhiên được mời đi ăn, bị đau bụng, deadline gí sát cổ hay đơn giản là hôm nay không có tâm trạng,… Một cuốn sách có thể đưa cho bạn một vài giải pháp nhưng không bao giờ là đủ cho vô vàn những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống để có thể tư vấn cho bạn 24/7. Đọc một cuốn sách có lẽ chỉ mất 2,3h nhưng để hoàn thiện một kỹ năng có thể tốn của bạn đến 10.000 giờ. Và bởi vì tác giả đã làm được điều gì đó trong khoảng thời gian N thì cũng không có nghĩa là bạn cũng sẽ làm được với thời gian tương tự vì hoàn cảnh, năng lực và xuất phát điểm của mỗi người là khác nhau.

 

Vậy khi nào thì sách self-help thật sự giúp được bạn?

Từ những gì mình viết ở trên, câu trả lời có vẻ rõ ràng là: hiểu bản thân hơn để đưa ra những lựa chọn sách tốt hơn. Nhưng làm sao bạn biết là mình hiểu bản thân mình đến đâu ? Câu trả lời là của mình là lựa chọn những cuốn sách mà có sự nghiên cứu sâu sắc về hành vi và tâm lý của con người trước khi đưa ra một kết luận về một luận điểm nào đó. Ai cũng (muốn) nghĩ mình là duy nhất, là không thể sao chép. Điều này có thể không sai nhưng một điều khác cũng đúng: đó là con người chúng ta giống nhau ở rất nhiều điểm. Sự giống nhau này là cần thiết để có thể duy trì một giống loài và cả một đời sống tập thể, và cũng chính sự giống nhau này giúp chúng ta đạt được những điều mà người khác làm được mà không nhất thiết phải có một ý chí sắt đá hay một tài năng tuyệt đỉnh.

Một điều hay (mà cũng có thể là dở) trong thời đại ngày nay là một cuốn sách sẽ thường dẫn bạn đến những cuốn sách tương tự khác bằng nhiều cách thức khác nhau, có thể qua truyền miệng, giới thiệu hay rõ ràng nhất là qua sự giới thiệu, quảng cáo của những hãng công nghệ , những sàn thương mại lớn. Với đội ngũ phân tích dữ liệu hùng hậu, họ sớm muộn gì cũng sẽ tìm ra bạn và những gì bạn làm để giới thiệu cho bạn những thứ tương tự, hợp với khuynh hướng lựa chọn đang có của bạn. Vì vậy hãy lựa chọn tỉnh táo!

Nhưng kể cả khi bạn đã chọn được đúng sách hay và thấm nhuần tư tưởng, đó chỉ là 2 phần của câu chuyện, 8 phần còn lại đến từ bản thân bạn. Sách có thể khơi lên dòng nước nhưng bạn mới là người chèo thuyền để lèo lái cuộc đời mình đến nơi mình muốn, tư tưởng sẽ chỉ là tư tưởng nếu bạn không làm hoặc không làm đủ lâu, đủ nhiều. Sự khó khăn không chỉ đến từ những thử thách gay cấn, mà đến từ sự đơn điệu, nhàm chán, của việc lặp đi lặp lại những gì bạn làm…ngày hôm qua, những thứ có thể chán tại lúc này nhưng lại vô cùng đáng giá khi vượt qua. Chỉ có động lực tự thân từ chính bạn mới có thể giúp bạn vượt qua những phút yếu lòng.

Vậy rốt cuộc có nên đọc sách self-help không ? Mình vẫn nghĩ là có. Sống trên đời ai chẳng có lúc cần giúp đỡ của ai đó, nếu có thể tránh những bài học với cái giá đắt đỏ từ những lần thử sai bằng việc đọc sách thì tại sao lại không ? Một điều nữa là khi bạn đọc sách thì nếu tư tưởng đó hợp ý bạn, nó sẽ gieo vào lòng bạn, và một khi nó đã nảy mầm, nó rất khó để hoàn toàn dứt bỏ. Có thể không phải bây giờ nhưng đến lúc nào đó thích hợp hơn, nó lại đơm hoa kết trái. Chẳng hạn bài viết blog vu vơ này, biết đâu lại khích lệ bạn bắt đầu thay đổi thì sao, và chẳng thể nào biết được những thay đổi có thể dẫn chúng ta đến những vùng trời nào. Nhưng nếu nó giúp ích gì cho bạn, thì người viết bài này cũng cảm thấy mãn nguyện lắm lắm.

Share this

Leave a Reply