Loading…

#Điểm sách – Tư duy đạo đức (Jonathan Haidt)

Hôm nay mình sẽ review một cuốn sách khá nặng đô mang tên “Tư duy đạo đức”


“Tư duy đạo đức” là một cuốn sách khổ to, dày tới 500 trang với một cái tên nghe khá khô khan có thể làm nản lòng những ai mới nhìn qua cuốn sách này. Nhưng thực sự đây lại là một cuốn sách rất rất hay. Mình cho nó 4.5/5 điểm. Cuốn sách viết về đề tài đạo đức này tiếp cận đạo đức theo một cách rất mới mẻ, cách viết của tác giả cũng rất rõ ràng, khúc triết, mạch lạc. Sách rất dài và bao phủ rất nhiều đề tài, nhìn nhận đánh giá và đưa ra quan điểm dưới góc nhìn và tổng hợp từ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ: tâm lý học, khoa học xã hội, triết học, sinh học đến cả chính trị, tôn giáo,…riêng phần chú thích thôi đã chiếm đến 1/5 cuốn sách rồi, nhưng đọc rất thú vị và không bị lan man, dàn trải và điểm hay nữa là cuối mỗi một chương, tác giả lại có một phần tổng kết chương, nơi ông tổng hợp lại nội dung của cả một chương, giúp người đọc tổng quát lại vấn đề. Tuy nhiên, vì đề cập đến rất nhiều đề tài, tư tưởng, đây không phải một cuốn sách dễ đọc, nhưng mà đọc rồi thì bạn sẽ thấy rất đáng.

°°°°°°°°°°°°°°°°

Giờ là lúc nói đến nội dung của cuốn sách, như cái tên của nó “ Tư duy đạo đức – vì sao những người tốt lại bị chia rẽ bởi chính trị và tôn giáo’, cuốn sách này tập trung nói về đạo đức, và tác giả của nó, là một nhà tâm lý học đạo đức với 25 năm kinh nghiệm, ông phân tích về đạo đức, đầu tiên từ góc độ tâm lý học chứ không chỉ là một nhà đạo đức học. Đúng là tác giả sẽ dùng những phân tích về tư duy đạo đức của mình để lý giải tại sao những người tốt lại bị chia rẽ một cách sâu sắc bởi chính trị và tôn giáo nhưng nội dung của cuốn sách thì nhiều hơn như thế bởi để có thể giải thích được sự phức tạp này, đòi hỏi phải có một sự tìm tòi và cả thay đổi góc nhìn của chính tác giả dựa trên những nghiên cứu khoa học và cả những trải nghiệm cá nhân và rồi tác giả sẽ dẫn dắt người đọc qua nhiều những luận điểm khác nhau, ở nhiều những lĩnh vực khác nhau, để chuẩn bị tâm lý và lý luận cho người đọc và phải đến tận gần chương cuối cùng, ông mời đề cập đến định nghĩa của mình về đạo đức. Cuốn sách được chia làm 3 phần chính, được chia đều cho 12 chương, dưới đây là nội dung cơ bản của mỗi phần:

  • Phần 1 : Trực giác xuất hiện trước, lý lẽ đến sau

    Ở phần này ông nêu ra luận điểm là những nhà đạo đức học và cả triết học từ trước đến giờ đang đề cập về đạo đức dựa trên lý lẽ quá nhiều, nhưng việc định nghĩa về đạo đức chỉ dựa trên lý lẽ theo tác giả là không đủ và không phản ánh được bản chất của Đạo đức. Mặc dù chúng ta đều có một trực giác cơ bản về những điều đúng sai, nên hay không nên, những ở mỗi nền văn hóa khác nhau, những cộng đồng khác nhau và cả những tầng lớp xã hội khác nhau, suy nghĩ của mọi người về việc cư xử thế nào là đạo đức lại có một sự khác nhau nhất định, điều này không có nghĩa là người này đúng và người kia sai mà là bởi mỗi người dù có thể cùng một nền tảng ban đầu, lại hình thành nên một tư duy đạo đức khác bởi họ chịu ảnh hưởng bởi những nền văn hóa khác nhau, với các trải nghiệm khác nhau, tạo nên một ma trận đạo đức từ đó ảnh hưởng nên cách nhìn của họ.

    Ở phần này, ông tập trung vào một luận điểm quan trọng, mang đậm tính chất tâm lý học, đó là : trực giác xuất hiện trước và lý lẽ xuất hiện sau. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình là những sinh vật duy lý, tư duy dựa trên sự suy xét và tính logic, hợp lý, nhưng Jonanthan chỉ ra rằng, có lẽ đấy là điều chúng ta tự lừa phỉnh bản thân mà thôi. Đứng trước rất nhiều vấn đề mà chúng ta thấy bối rối về đạo đức, trực giác sẽ cho chúng ta một linh cảm về việc cái gì là đúng là sai, và chúng ta chỉ vất vả tìm lý lẽ cho câu trả lời bật ra từ trực giác mà thôi. Đó là lý do mà ông không nghĩ rằng lý luận về đạo đức học của một số những triết gia, các nhà thần học, đạo đức học … là đủ, bởi có lẽ họ cũng có những câu trả lời từ trực giác nhưng chỉ là người thông minh và có nhiều lý lẽ hơn mà thôi. Điều này không có nghĩa là chúng ta phủ nhận lý lẽ, đó vẫn là một thứ quan trọng chúng ta dùng để thuyết phục nhau. Nhưng lý lẽ không thôi là không đủ, chúng ta cũng cần nhận ra là trực giác có ảnh hưởng một cách sâu sắc đến cách chúng ta suy nghĩ và nhìn nhận thế giới.

    Ở đây, tác giả dùng một hình ảnh ẩn dụ về người cưỡi voi và con voi, một hình ảnh mà ông sử dụng xuyên suốt trong cuốn sách, trong đó con voi chính là phần trực giác, hay linh cảm của con người, còn người cưỡi voi chính là những lý lẽ, phân tích logic của chúng ta. Não bộ của chúng ta đưa ra đánh giá ngay lập tức là liên tục dựa trên nền tảng là tất cả những gì nó từng tiếp nhận từ trước đến giờ và có lẽ người cưỡi voi là một đối tượng được tiến hóa để phục vụ con voi, trong nỗ lực giải thích cho sự lựa chọn (mà có lẽ rất khó để giải thích) của mình. Ông nêu lên những phân tích từ tâm lý học và khoa học não bộ để giải thích cho luận điểm này của mình. Như vậy, theo ông, người cưỡi voi là đối tượng phục vụ con voi, chứ không phải là ngược lại. Nhưng mối quan hệ này là một mối quan hệ đối tác tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải người cưỡi voi là nô lệ của con voi. Giống như một luật sư hết lòng bảo vệ thân chủ của mình, nhưng cũng có lúc họ từ chối những yêu sách của khách hàng, có thể do yêu cầu bất khả thi hoặc có thể do yêu cầu đó không có lợi cho thân chủ.

    Dựa trên những luận điểm trên đây, cuốn sách này cũng là nỗ lực của tác giả trong việc tìm cách thuyết phục con voi của độc giả 😄 Và làm sao để con voi thay đổi và lắng nghe lý lẽ của người khác thay vì cố gắng tìm ra các lỹ lẽ ủng hộ chính nó ? Đầu tiên là chỉ khi nó bình tĩnh, và bạn phải hiểu nó, trước khi muốn nó hiểu mình.

  • Phần 2: Đạo đức không chỉ có thiệt hại và công bằng

    Ở phần này, đầu tiên ông chỉ ra rằng, các quốc gia phương Tây đang định nghĩa đạo đức dựa trên hai yếu tố cơ bản là thiệt hại và công bằng nhưng hãy lưu ý một điều rằng những người lớn lên ở những xã hội phương Tây giàu tri thức, có nền văn hóa công nghiệp, giàu có và dân chủ là những người ngoại biên về mặt thống kê trên nhiều phương diện tâm lý học bao gồm cả tâm lý học đạo đức. Bạn càng WEIRD (Western, educated, and from industrialized, rich, and democratic countries) thì bạn càng nhìn thế giới là tập hợp của những cá thể riêng biệt thay vì các mối quan hệ. Phạm vi đạo đức ở các xã hội WEIRD hẹp một cách bất thường, bởi phần lớn nó chỉ giới hạn ở đạo đức tự quyết (những mối quan tâm về việc các cá nhân làm hại, áp bức hoặc phản bội lẫn nhau). Nhưng phạm vi đạo đức này rộng hơn ở những xã hội khác phương Tây, nơi những yếu tố văn hóa khác hình thành nên một phạm vi đạo đức rộng hơn: bao gồm đạo đức cộng đồng và đạo đức thần thánh, đây cũng là những yếu có có ảnh hưởng đến những cộng đồng tôn giáo và bảo thủ trong chính các xã hội WEIRD. Vì vậy tác giả đã nêu ra rằng văn hóa là một yếu tố cần phải xem xét khi nghiên cứu về tâm trí của con người.

    Đây là một quan điểm mà mình thấy rất đồng ý, bởi đôi khi mình thấy những quốc gia châu Âu đưa ra những nhận xét và đôi khi can thiệp vào vấn đề của một quốc gia khác mà không xem xét đến sự khác biệt về văn hóa của quốc gia đó, làm như thể chỉ có quan điểm của họ về con người là đúng đắn nhất, điều đấy đôi khi làm họ phủ định và không nhìn thấy những giá trị tinh thần trong những nét văn hóa mà chỉ có những quốc gia ngoài phương Tây mới có. Điều này cũng tạo nên những điểm mù rồi quay lại khiến cho những can thiệp của phương Tây đâm ra phản tác dụng và đôi khi làm tình hình chỉ có tệ thêm. Họ đã cố gắng đưa ra lý lẽ cho một tập thể những con voi đang bị kích động và có lẽ không nhận ra rằng mình cũng đang bị ảnh hưởng bởi một con voi khác. Mình không phủ nhận kho tàng tri thức của phương Tây và thực sự bản thân mình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những tư tưởng đó, mình chỉ hi vọng họ cũng hiểu thêm về văn hóa tinh thần của những nền văn hóa khác, và không nhìn nhận những điều đó chỉ như những điểm kỳ quặc bất thường.

    Quay lại với cuốn sách, sau khi phủ nhận việc đạo đức chỉ bao gồm nguyên tắc của thiệt hại và công bằng, ông nêu ra lý thuyết của mình cho những ứng cử viên cơ bản của nền tảng đạo đức mà có lẽ chúng ta đã có từ lúc bẩm sinh dựa trên thuyết tiến hóa và quan trắc nhân chủng học, bao gồm:

    • Nền tảng chăm sóc/ làm hại tiến hóa trong hoàn cảnh cần chăm sóc những đứa trẻ non yếu
    • Nền tảng công bằng / gian lận tiến hóa trong hoàn cảnh cần phải đạt được lợi ích từ những mối quan hệ hợp tác sao cho không bị lợi dụng
    • Nền tảng trung thành / phản bội tiến hóa trong hoàn cảnh cần phải thiết lập và duy trì những liên minh
    • Nền tảng uy quyền / lật đổ tiến hóa trong hoàn cảnh cần phải tạo ra những mối quan hệ có lợi trong khuôn khổ tôn ti trật tự
    • Nền tảng thiêng liêng / thấp hèn ban đầu tiến hóa trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan của loài ăn tạp và sau đó mở rộng ra với việc sống trong một thế giới đầy rẫy những nguồn bệnh và ký sinh trùng.
    • Nền tảng tự do/ áp bức là nền tảng giúp con người nhận ra và phản ứng với bất kì dấu hiệu nào của sự áp đảo.

    Cùng với việc giải thích ý nghĩa của những nền tảng này, ông cũng chỉ ra rằng trong cục diện chính trị cơ bản của người Mỹ, những người theo phe tự do (lựa chọn đảng Dân chủ) hay còn gọi là cánh tả chủ yếu dựa vào nền tảng Chăm sóc và Công bằng trong khi đó những người theo phe bảo thủ (lựa chọn đảng Cộng hòa) hay còn gọi là cánh hữu thì dựa vào cả 6 yếu tố trên, cuối cùng, còn khoảng 20% dân Mỹ theo phe tự do cá nhân, thì đối với họ nền tảng Tự do/áp bức là yếu tố quan trọng nhất để hình thành nên ma trận đạo đức của họ. Và một khi bạn đã ở trong ma trận của mình, bạn sẽ rất khó để nhìn nhận được quan điểm đạo đức của một người ở trong một ma trận khác và với thiên kiến xác nhận của chúng ta, chúng ta sẽ không nỗ lực đi giải thích quan điểm của người khác, mà chỉ tìm cách củng cố quan điểm của chính mình mà thôi.

    Với lý thuyết nền tảng đạo đức này của mình, ông giải thích cho một câu hỏi lớn nhất của những người theo Đảng Dân chủ trong những năm gần đây đó là : tại sao những người lao động và người dân ở nông thôn lại thường bầu cho Đảng Cộng hòa trong khi chính Đảng Dân chủ mới đang đấu tranh để phân phối của cải trong xã hội một cách đồng đều ? Nếu nhìn từ lý thuyết nền tảng đạo đức này, thì đó là bởi vì thật ra những người ở nông thôn và thuộc tầng lớp lao động thật ra đang bầu cho lợi ích đạo đức của họ, họ không muốn đất nước dành tất cả nguồn lực để chăm sóc các nạn nhân hay theo đuổi công lý xã hội vì quan điểm đạo đức của họ dựa trên nhiều yếu tố hơn chỉ là yếu tố Chăm sóc/làm hại, những yếu tố mà đảng Cộng hòa đang thể hiện tốt hơn (cho dù họ lại khá tiêu cực ở một yếu tố khác) và nếu như Đảng Dân chủ không hiểu được điều này họ sẽ không thể hiểu được tại sao người ta lại bầu cho đảng Cộng Hòa.

    Khi xem xét các nền tảng này, và tự đánh giá bản thân, mình nghĩ rằng nếu mà ở Mỹ thì mình sẽ theo đảng Dân chủ 😄 vì với mình thì nền tảng Chăm sóc/làm hại và Công bằng/gian lận là 2 nền tảng mà mình ủng hộ nhất . Mình muốn giúp đỡ những người bị thiệt hại và đảm bảo quyền lợi cho những người thấp cổ bé họng và mình không muốn đổ lỗi cho nạn nhân. Mình cũng nghĩ rằng đảm bảo sự tự do thương mại là đảm bảo không có sự độc quyền, vì sự độc quyền sẽ bóp nghẹt cơ hội của rất nhiều người và chỉ đảm bảo quyền lợi cho một số ít những người tinh hoa và may mắn. Tuy nhiên mình đồng cảm với những người theo phe Cộng hòa ở nền tảng Trung thành/ phản bội vì mình có một lòng yêu nước sâu sắc. Không rõ điều gì đã hình thành nên tình cảm này trong mình nhưng mình nhận ra nó khi mình hào hứng ủng hộ đội tuyển bóng đá quốc gia hơn hẳn là khi xem những trận đấu bóng đá chất lượng cao của châu Âu, mình cũng tự coi việc là một người Việt Nam là một phần trong định nghĩa của mình về bản thân và mình thấy khó chịu khi ai đó chê bai đất nước mình một cách bừa bãi, thiếu suy xét. Dĩ nhiên điều này không đồng nhất với việc mình ủng hộ mọi quan điểm của thể chế chính trị của nhà nước hiện tại, mình nghĩ chính trị và nhà nước là để đảm bảo lợi ích của quốc gia và người dân chứ không phải ngược lại. Nhưng từ nền tảng trung thành và cả nền tảng uy quyền này, mình nghĩ đôi khi chúng ta cũng phải hi sinh lợi ích và tự do cá nhân ở một mức độ nhất định để đảm bảo lợi ích của tập thể và tính thống nhất của xã hội.

  • Phần 3 : Đạo đức kết nối mọi người và cũng làm ta mù quáng

    Ở phần cuối cùng này, tác giả tập trung vào việc phân tích tại sao đạo đức lại vừa kết nối con người và cũng vừa làm ta mù quáng. Đầu tiên, ông dựa trên những phân tích về sinh vật học, khảo cổ học và thuyết tiến hóa để phát triển một quan điểm rằng: con người không chỉ tiến hóa thông qua chọn lọc tự nhiên ở tầng cá nhân mà chúng ta còn tiến hóa ở cả tầng nhóm nữa. Các bộ lạc với nhiều thành viên có phẩm chất tốt hơn sẽ thay thế những bộ lạc nhiều thành viên ích kỷ. Qua thời gian và đến thời điểm hiện tại, chúng ta là một giống loài với 90% là vượn và 10% là ong, tức là những con người về cơ bản là vị kỷ nhưng vẫn có khả năng hợp tác và kết nối với cộng đồng, điều này giải thích tại sao con người vừa ích kỷ lại vừa bè phái như vậy. Có một câu kết luận rất hay ở đây: “Con người chúng ta có một bản chất kép- chúng ta là những con linh trưởng ích kỷ luôn mong muốn được là một phần của cái gì đó lớn hơn bản thân mình”. Ở đây ,ông cũng nêu lên một điều mà ông gọi là công tắc tổ ong. Tức là con người không kết nối với tập thể một cách vô điều kiện mà chỉ xảy ra dưới những trường hợp đặc biệt, chúng ta dành phần lớn đời mình trong thế giới thế tục nhưng những niềm vui lớn lao nhất mà ta có lại là những khoảng khắc khi ta đi sang thế giới thiêng liêng, mà ở đó ta trở thành “đơn giản là một phần của một thứ lớn hơn” (mình nghĩ đây là một trong những lý do khiến Donald Trump đã nhận được sự ủng hộ lớn trong chiến dịch bầu cử “nước Mỹ trên tất cả” của mình).

    Tiếp đến, tác giả bàn đến vấn đề Tôn giáo, ảnh hưởng và vai trò của tôn giáo trong việc kết nối con người lại với nhau và qua đó góp phần khiến những cộng đồng tôn giáo sống có đạo đức hơn. Lưu ý là tác giả chỉ tập trung vào khía cạnh đóng góp của tôn giáo và lý do mà tôn giáo có thể có tác động lớn đến tư tưởng đạo đức của một người hay một cộng đồng chứ không bàn về đức tin hay một tôn giáo cụ thể nào có tính đúng sai ra sao. Đến tận lúc này, ông mới nêu ra định nghĩa của mình về hệ thống đạo đức, đó là:

    “Hệ thống đạo đức là những giá trị, phẩm chất, tiêu chuẩn, tục lệ, nhân dạng, thể chế, công nghệ, và cơ chế tâm lý tiến hóa đàn cài vào nhau và vận hành cùng nhau để kìm hãm hoặc điều chỉnh lợi ích bản thân và khiến cho những xã hội hợp tác trở nên khả thi”

    Đây là một định nghĩa chức năng của đạo đức chứ không phải liệt kê ra những nội dung gì thì được coi là đạo đức. Và vì vậy, nó không thể đứng một mình như những định nghĩa mang tính quy phạm (nêu cụ thể những gì là đúng) mà nó có tính chất bổ nghĩa thì đúng hơn khi ta chọn một định nghĩa quy phạm nào cho chính mình.

    Ở chương cuối cùng, tác giả nêu lên lý do cho sự phân hóa càng ngày càng sâu sắc về quan điểm chính trị của người dân Mỹ và các đảng phái chính trị, đó là vì người Mỹ từ chối lắng nghe quan điểm của người khác, đồng thời triệt tiêu những mối liên kết có thể khiến hai phe hiểu nhau hơn , và một khi đã tham gia vào một đội chính trị thì họ sẽ mắc vào ma trận đạo đức của phe đó, họ sẽ nhìn thấy sự xác nhận cho diễn giải của mình ở khắp mọi nơi, và vì vậy rất khó, có khi là không thể, để thuyết phục nhau. Ông đồng thời cũng nêu ra những luận điểm mà ông thấy là đúng đắn ở cả hai phe chẳng hạn như: chính quyền có thể và nên kiềm chế những siêu cấu trúc tập đoàn, một số vấn đề lớn có thể thực sự được giải quyết bằng sự can thiệp của chính quyền (phe tự do), thị trường có khả năng điều phối kỳ diệu (phe tự do cá nhân) và cuối cùng không thể giúp con ong bằng cách phá vỡ tổ ong (phe bảo thủ). Ông cũng chỉ ra rằng những quan điểm chính trị đối lập giống như âm và dương, nó có tính chất bổ khuyết và góp phần tạo nên một xã hội lành mạnh hơn, nhưng chúng ta phải học cách nhìn nhận quan điểm của người khác, và ngừng cho rằng quan điểm của mình là duy nhất và mình phải đối đầu và loại bỏ quan điểm trái ngược.

    Cuối cùng, ông kết luận rằng “ Tóm lại, đạo đức kết nối và cũng làm ta mù quáng. Nó kết nối chúng ta vào những nhóm tư tưởng tranh đấu với nhau như thể vận mệnh thế giới phụ thuộc vào việc phe ta có thắng ở mỗi trận chiến hay không. Nó làm ta mù quáng với thực tế rằng mỗi đội đều có những người tốt và họ cũng có những điều quan trọng mà chúng ta nên lắng nghe”

Ở Lời Kết cuối cùng, ông dành một vài trang để tổng kết lại các phần của cuốn sách, và cả rút ra một vài điều cho bạn làm “quà lưu niệm” mang về nhà sau hành trình với cuốn sách này. Đây là điều tác giả vẫn hay làm và mình nghĩ là rất hay vì sẽ giúp người đọc nhớ lại những điểm chính yếu trong một cuốn sách có rất nhiều kiến thức như thế này. Còn mình, nếu để tổng kết lại bằng một câu thì mình sẽ trích dẫn lại một trích dẫn trong sách : “Nếu có một bí quyết nào của thành công, đó chính là khả năng hiểu góc nhìn của người khác và có thể nhìn thấy từ vị trí của họ rõ ràng như nhìn từ vị trí của mình”- Henry Ford (nhưng thật ra nói vậy thôi, làm được thì khó lắm bạn ạ, vì ngay đến việc hiểu được bản thân đã là một task cực khó rồi nữa là hiểu người khác, nhưng mình thực sự nghĩ rằng đó là một việc đáng làm, nên làm và phải làm).

 

Rating: 4.5/5

Link mua sách trên TIKI : HERE

Share this

Leave a Reply