
# Review Book – Một vài cuốn sách hay về chủ nghĩa tối giản
Chủ nghĩa tối giản mới nổi lên tại Việt Nam trong thời gian gần đây và được khá nhiều người yêu thích. Đọc báo chí hay theo dõi nhưng căn nhà mà gia chủ sống theo phong cách tối giản bạn có thể thấy những căn phòng được trang trí trang nhã và ..hầu như không có đồ đạc gì cả. Mặc dù vậy, tiệm cận đến mức zero đồ đạc không phải trọng tâm cũng như là mục đích cơ bản của chủ nghĩa tối giản. Dù cắt giảm là một phần không thể thiếu trong chủ nghĩa tối giản nhưng ý nghĩa xuyên suốt của chủ nghĩa này là ở chỗ: xóa bỏ những thứ không thật sự cần thiết để tập trung vào những thứ quan trọng trong cuộc sống của bạn. Với ý nghĩa này, chủ nghĩa tối giản không gói gọn ở một phong cách nhà cửa, sự cắt giảm của đồ đạc nói riêng mà mở rộng ra nhiều khía cạnh khác của cuộc sống như tối giản trong ăn mặc, tối giản trong suy nghĩ hay tối giản trong cả thời đại số nữa, vân vân và mây mây…
Có thể bạn cũng thấy rằng tư tưởng về sự coi thường vật chất phù du đã được các nhà hiền triền tôn vinh có lẽ cả hàng ngàn năm trước rồi đặc biệt là trong đạo Phật, tuy vậy ở mỗi một thời đại, tư tưởng này lại mang một hơi thở khác, hợp với suy nghĩ và tình cảm của những người đương thời hơn. Chủ nghĩa tối giản cũng có nét giống với tư tưởng của các nhà hiền triết xa xưa nhưng nó cũng có nhiều điểm khác biệt, nó không chỉ đơn giản là bạn ném hết đồ đạc đi cho phòng rộng rãi rồi ngồi chánh niệm từ sáng đến tối (mặc dù nếu bạn muốn thì bạn làm thế cũng được 😛 ) mà sâu xa hơn đó là việc chiêm nghiệm lại bản thân mình, xác định những gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn, những thứ tạo nên giá trị và có ý nghĩa cho cuộc sống của bạn: từ đồ vật, mối quan hệ, cách bạn sử dụng thời gian, cách bạn tiêu tiền, cách bạn hướng sự chú ý của bản thân,.. và bạn sẽ tập trung vào những thứ ấy mà thôi. Những thứ còn lại thì sao ?? Những thứ còn lại thì bạn vứt hết đi chứ còn gì nữa ! Nói thì đơn giản nhưng trong cuộc sống hàng ngày chúng ta bị bao nhiêu là những thứ lặt vặt bủa vây khiến nhiều khi ta quên đi mất cái gì là quan trọng hay không dành đủ thời gian cho nó và vì thế mà gánh lấy bao nhiêu là muộn phiền.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa tiêu dùng ở thời hiện tại,luôn thúc giục chúng ta có nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa để cảm thấy mãn nguyện hơn, hài lòng hơn về cuộc sống của mình, nhưng liệu cứ chạy theo những gì để thỏa mãn ham muốn tức thời của bản thân có khiến cuộc sống của ta có ý nghĩa hơn hay rốt cuộc nó cũng chỉ là một kiểu ‘nghiện’ mới của thời đại, dẫn ta từ cơn dopamine này đến cơn dopamine khác và rốt cuộc là lại chẳng dẫn ta đến đâu cả.
Thành thật mà nói, nếu bạn hoàn toàn hài lòng với cách sống và suy nghĩ của bản thân, với những gì mình đang có thì chắc bạn cũng… chả cần tìm hiểu thêm về cái chủ nghĩa này làm gì trừ khi bạn tò mò và muốn đọc cho vui. Còn nếu bạn có gì đó lấn cấn về cách bạn đang sở hữu đồ đạc hay cảm thấy có quá nhiều suy nghĩ trong đầu bạn mà bạn không biết làm sao để sắp xếp cho gọn gàng hay nên giữ lại bỏ đi cái gì thì có thể bạn sẽ thấy chủ nghĩa tối giản thật sự hay và có nhiều thứ để bạn có thể học hỏi. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể tìm đến triết học hoặc tôn giáo (và trong một số trường hợp là tư vấn tâm lý nếu vấn đề của bạn nghiêm trọng hơn) nhưng chủ nghĩa tối giản theo mình là gần gũi, dễ hiểu và cũng dễ áp dụng hơn cả.
Mình thì đọc kha khá sách về chủ nghĩa tối giản và thực sự yêu thích chủ nghĩa này nhưng mình xin phép giới thiệu 4 quyển mà mình thấy hay nhất thôi, theo đúng tư tưởng của chủ nghĩa này: ít nhưng mà chất !
Dọn dẹp cùng Marie Kondo – Maria Kondo
Mình đã đọc cuốn này nhưng ở phiên bản trước với cái tên rất kêu là “Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật – phép màu thay đổi cuộc sống”. Thật ra đây chỉ là phương pháp dọn dẹp và sắp xếp nhà của Marie Kondo thôi chứ ko phải của người Nhật nói chung. Cuốn sách này bao gồm nhiều lời khuyên của Marie Kondo – một người đam mê việc dọn dẹp và đã biến nó thành nghề nghiệp suốt đời của mình. Trong tất cả các lời khuyên này, điểm khác biệt và quan trọng nhất chính là ở chỗ: đầu tiên, hãy biết từ bỏ. Và Marie khuyên bạn là hãy từ bỏ ít nhất là 1/3 tất cả các đồ đạc mà bạn có và tất cả những gì bạn nên giữ lại là những gì ‘spark joy’ thôi (tức là những thứ mang lại niềm vui cho bạn mà thôi) những thứ còn lại thì bạn nên bỏ hết đi nếu không bạn sẽ quay cuồng với việc dọn dẹp suốt đời. Thật sự mà nói thì cuốn sách này …không phải là về chủ nghĩa tối giản 😀 Nó chỉ rất gần và là một khởi đầu tốt nếu bạn muốn tìm hiểu sâu về chủ nghĩa này là thôi. Chủ nghĩa tối giản là cắt bỏ tối đa những thứ không cần thiết để có thể tập trung tối đa và những thứ cần thiết cho cuộc sống của bạn. Nhưng thật sự nhiều khi chúng ta không biết phải bắt đầu từ đâu thì một cuốn sách nhẹ nhàng như cuốn sách này sẽ là một sự khởi đầu tốt. Thật sự mà nói thì chính cuốn sách này đã dẫn mình đến với chủ nghĩa tối giản rồi đi theo và rồi nhận lại những giá trị mà nó mang đến cho mình.
Gợi ý khác: nếu bạn thích cuốn sách này thì chắc bạn cũng sẽ thích series “ Tidying up with Marie Kondo” trên Netflix trong đó là mỗi một tập phim là một gia đình có siêu nhiều đồ đạc mà sau đó họ sẽ mời Maria Kondo đến nhà để tư vấn rồi sau đó chính họ là người dọn dẹp và quyết định xem sẽ giữ lại cái gì trong ngôi nhà của mình. Cú chuyển mình của ngôi nhà trước và sau khi dọn dẹp của họ thật sự đáng kinh ngạc và cái hay ở chỗ bản thân sự can thiệp của Marie Kondo là rất nhỏ, cô chỉ truyền triết lý dọn dẹp của mình rồi phần lớn sự thay đổi là từ chính những người tham gia, rất hay và ý nghĩa.
Project 333 – tối giản trong ăn mặc – Courtney Carver
Như tên gọi của nó, cuốn sách này nói về sự tối giản trong ăn mặc. Toàn bộ nội dung của cuốn sách này có thể tóm gọn trong 1 câu này: Project333 là bạn mặc tối đa 33 món đồ trong vòng 3 tháng. 33 món đồ này thì ko bao gồm đồ lót, đồ ngủ và các đồ lao động khác và con số 33 cũng chỉ là con số tương đối, nó phù hợp với tác giả nhưng với mỗi cá nhân khác nhau thì con số này có thể khác nhau. Điều quan trọng ở chỗ bạn chỉ duy trì một số lượng cố định quần áo bạn mặc trong khoảng thời gian nhất định, còn sao là 3 tháng à ? Vì cứ 3 tháng là lại đổi mùa và bạn có thể cần thêm đồ theo mùa chứ sao 🙂 Nhưng không có nghĩa là bạn ném hết 33 món kia đi và tìm 33 món mới :)))) mà chỉ xem xét lại tủ đồ của mình chút thôi. Là một phụ nữ, mình quan tâm nhiều đến quần áo và mỹ phẩm nhưng mà mình cũng vì nó mà thất vọng nhiều. Không có ít dịp mình nhìn cái tủ đầy quần áo rồi thấy thất vọng vì.. không có gì mặc và mình thì không thích ngày nào cũng mặc áo len cao cổ với quần jeans như ông Steve Jobs tí nào :(( Chán chết đi được. Ấy vậy mà mình lại thấy áp dụng cách làm của cuốn sách này vào tủ quần áo của mình thấy ổn áp vô cùng. Vì nó cho mình thời gian để suy nghĩ kỹ về những gì mình thực sự thích mặc, cách kết hợp đồ khi mình có ít quần áo hơn và suốt 3 tháng để suy nghĩ xem mình thực sự thích và hợp khi mặc gì nhất. Tuy rằng cuối cùng thì mình cũng không duy trì được con số 33 như tác giả khuyên :)) nhưng mà có rất nhiều thay đổi tích cực trong việc chọn quần áo của mình. Bạn có thể đọc thử và biết đâu lại tìm thấy nhiều thứ hay ho từ cuốn sách nhỏ này.
Nghệ thuật theo đuổi sự tối giản – Greg McKeown
Tên tiếng Anh của cuốn sách này là “Essentialism” tức là chỉ tập trung vào những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn mà thôi và học cách bỏ qua những thứ còn lại, không chỉ là bỏ qua những thứ có hại cho cuộc sống của bạn mà là cả bỏ qua cả những thứ.. tốt vừa phải. Thay vì nói về việc từ bỏ những thứ vật chất, đồ đạc cụ thể, cuốn sách này đi sâu vào khía cạnh tinh thần của bạn, và tập trung vào việc thay đổi trong cả mindset của bạn để nhìn nhận chủ nghĩa tối giản trên mọi phương diện của cuộc sống chứ không chỉ giới hạn ở khía cạnh vật chất đơn thuần. Cụ thể hơn, cuốn sách nói về sự lựa chọn của chúng ta trong cuộc sống, điều sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh bởi bạn chọn lựa mỗi ngày: chọn nơi ở, chọn công việc, chọn cách nhìn nhận cuộc sống, chọn sách sống, chọn người bạn muốn gắn bó lâu dài, chọn thái độ của bạn với 1 sự việc,… Sự lựa chọn (choice) là một hành động chủ động, nó khác với những lựa chọn khả dĩ (options) là những thứ khách quan ta không thể điều khiển. Vậy thế nào là lựa chọn theo phong cách tối giản ? Cuốn sách sẽ lần lượt bóc tách từng lớp, từng câu hỏi của điều này.
Gợi ý khác: “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” của Chi Nguyễn cũng là một cuốn sách rất hay với văn phong gần gũi, dễ đọc và khá phù hợp với tâm lý người Việt mình. Nhờ đọc cuốn sách này mà mình mới nhận ra ..à ra là chủ nghĩa tối giản không phải chỉ là về cắt giảm đồ đạc mà còn nhiều điều nữa.
Ngoài ra, nếu bạn muốn biết thêm về chủ đề sự lựa chọn thì “Nghịch lý của sự lựa chọn” có thể nói là một sự lựa chọn xuất sắc. Cuốn sách này thì không viết về chủ nghĩa tối giản nhưng nó là một cuốn sách rất hay nên mình giới thiệu thêm, hehe 😀
Lối sống tối giản thời công nghệ số – Cal Newport
Lời giới thiệu ở bìa trong của cuốn sách này có ghi thế này “Cal Newport quả là Marie Kondo trong thế giới công nghệ” và khi đọc cuốn sách này thì mình thấy đúng là như vậy 🙂 Trong thời đại của chúng ta không ít thì nhiều chúng ta đều bị tác động bởi công nghệ và bất chấp những bước tiến khổng lồ của công nghệ trong việc giúp chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn hẳn không ít thì nhiều chúng ta cũng có lần cảm nhận thấy sự phụ thuộc của mình vào công nghệ và thấy rằng có lẽ chúng ta đã dành quá nhiều thời gian vào mạng xã hội hay các ứng dụng số khác, dù vậy, chúng ta không biết làm sao để thoát khỏi sức hút cũng như sự tiện lợi mà nó mang lại. Vậy thì cuốn sách này có lẽ sẽ mang lại cho bạn câu trả lời. Như những gì có thể mong đợi, cuốn sách này nói về việc làm cách nào để bạn có thể cắt giảm tối đa sự lệ thuộc vào công nghệ số trong khi vẫn tận hưởng những giá trị mà nó mang lại. Tác giả cũng chỉ ra cho chúng ta cách mà những công ty công nghệ khổng lồ đã lèo lái để thu hút sự chú ý của chúng ta dưới vỏ bọc là những mạng xã hội hay những ứng dụng ‘miễn phí’. Khác với những bài báo về mẹo vặt để cắt giảm thời hạn sử dụng thiết bị số, tác giả tập trung vào việc xác định việc bạn muốn cắt giảm thời gian dùng thiết bị số để làm gì và từ đó đưa ra cho bạn những gợi ý để sống một cuộc sống với những cảm nhận sâu sắc hơn và đạt được sự mãn nguyện cao hơn. Điều này không có nghĩa là bạn phải quay về thời tối cổ và từ chối sự tiến bộ của xã hôi, mà thay vào đó và nhìn nhận các công cụ này dưới một con mắt khác để sử dụng nó theo một cách khác (và trong một số trường hợp bạn có thể hoàn toàn ngừng sử dụng) để khiến nó phục vụ lại bạn thay vì trở thành nô lệ của nó hay trở thành món hàng của các công ty công nghệ cao.
——————————————-
Trên đây là 4 cuốn sách về chủ nghĩa tối giản mà mình tâm đắc nhất. Dĩ nhiên là hay và chất đối với mình thôi chứ sách về chủ nghĩa này thì nhiều lắm nhưng cái quan trọng hơn cả việc đọc nhiều là liệu bạn có áp dụng nó không và có kiên trì với sự lựa chọn của mình không. Bản thân mình sau khi đọc sách từng rất hào hứng và cũng vất đi vô số đồ vật trong nhà. Đỉnh điểm mình từng bán và cho đi đến 150 cuốn sách… mà mình thì vốn yêu và giữ sách khủng khiếp ấy. Nhưng rồi sau đó mình lại mua lại đồ, lại muốn trầm cảm vì nhiều đồ.. rồi mình đọc thêm sách về chủ nghĩa tối giản, rồi thì đâu đó mình học cách cân bằng hơn, tìm được đâu là sự tối giản của bản thân. Đâu đó hay lúc nào đó mình vẫn lên cơn cuồng mua sắm và mua phải những thứ mình không ưng, nhưng chủ nghĩa tối giản như kiểu kim chỉ nam ấy, khiến mình định thần lại và khiến cuộc sống của mình cũng phần nào trở nên nhẹ nhõm hơn nhiều. Mình hi vọng bạn sẽ đọc ít nhất 1 trong những cuốn sách này và nó sẽ mang lại giá trị cho cuộc sống của bạn.
Cảm ơn đã đọc và hẹn gặp lại.